Biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường và cách phòng ngừa
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, số người mắc bệnh đái tháo đường chỉ riêng khu vực Tây Thái Bình Dương có thể sẽ tăng từ 138 triệu người năm 2014 lên 202 triệu người vào năm 2035 nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20-79) mắc bệnh đái tháo đường nhưng có tới hơn 60% không biết mình bị bệnh. 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường….Việc tuân thủ theo chỉ dẫn dùng thuốc từ bác sĩ điều trị thì sự hiểu biết và tự theo dõi đường huyết của bản thân người bệnh có vai trò hết sức quan trọng trong việc kiểm soát cũng như ngăn ngừa các biến chứng.
1. Tại sao phải kiểm soát đường huyết ổn định?
Đường huyết là một thuật ngữ chỉ lượng đường trong máu. Thông thường đường là nguồn năng lượng chính của cơ thể, là nguồn nhiên liệu cực kỳ quan trong cho hệ thần kinh và tổ chức não bộ. Trong máu luôn có một lượng đường nhất định, nếu lượng đường này tăng hay giảm xuống so với mức bình thường thì đây là một tình trạng không bình thường của cơ thể.
Đường huyết tăng cao sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Lượng đường huyết tăng cao là do sự rối loạn trong quá trình chuyển hóa glucose, kéo theo sự rối loạn chuyển hóa chất béo, chất đạm…. Khi tình trạng rối loạn này diễn ra thường xuyên sẽ gây ra những biến chứng khác như: xơ vữa mạch máu lớn, làm hẹp tắc các mạch máu nhỏ và làm hỏng toàn bộ hệ thống thần kinh. Từ đó kéo theo ra các biến chứng nguy hiểm khác: tổn thương tim, tổn thương thận, tổn thương hệ thần kinh… Ngoài ra, đường huyết cao còn gây nhiễm khuẩn ở nhiều bộ phận trên cơ thể, vết thương khó lành do suy giảm miễn dịch.
2. Các biến chứng bệnh đái tháo đường
Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm kiểm soát đường huyết kém dẫn đến nhiều biến chứng, chủ yếu mạch máu, ảnh hưởng mạch máu nhỏ (biến chứng về mắt, thận, thần kinh), mạch máu lớn (biến chứng về tim mạch), hoặc cả hai.
– Biến chứng mắt: Đường huyết cao khiến hệ thống mao mạch ở đáy mắt bị tổn thương dẫn tới thị lực có thể bị suy giảm hoặc có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, những biến chứng về mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp… cũng có thể xảy ra.
– Biến chứng về thần kinh: là biến chứng thường xuất hiện sớm nhất và thường xuyên của đái tháo đường. Bao gồm các cảm giác đau, tê, nóng ở chân, nhịp tim và nhịp thở bất ổn định, hay tiết mồ hôi…
– Biến chứng về thận: Đường trong máu cao gây tổn thương đến vi mạch máu trong thận, từ đó suy giảm chức năng lọc của thận, thậm chí suy thận.
– Biến chứng về tim mạch: Tăng mỡ máu, cao huyết áp, xơ động mạch ngoại vi gây tắc mạch là một trong số biến chứng hay gặp của người bệnh đái tháo đường.
– Biến chứng nhiễm trùng: Đường trong máu cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, gây nên nhiễm trùng ở nhiều vùng trên cơ thể.
3. Phòng ngừa biến chứng do bệnh đái tháo đường như thế nào?
Với người bệnh đái tháo đường cách phòng tránh các biến chứng của bệnh hiệu quả nhất là kiểm soát tốt đường huyết. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), không có một mẫu số chung về ngưỡng đường huyết an toàn cho tất cả người bệnh. Tốt nhất, đường huyết nên đạt được trong khoảng:
HbA1c < 7%
Đường huyết khi đói 3.9 – 7.2mmol/l (70 – 130mg/dl)
Đường huyết trước ăn < 7.2mmol/l
Đường huyết sau ăn 2h cao nhất nên < 10mmol/l (180mg/dl)
Kiểm soát đường huyết hoàn toàn có thể được thực hiện bằng các biện pháp đơn giản, linh hoạt tại nhà mà tất cả mọi người đều có thể áp dụng. Việc cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng, vận động và điều trị hợp lý sẽ giúp cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Cụ thể là: – Chế độ ăn có kiểm soát: Người bệnh nên ăn giảm tinh bột, đường có trong gạo trắng, lúa mì, khoai tây, các loại đường mía, đường sữa… Ăn hạn chế muối, chất béo xấu (mỡ động vật, chất béo trong thực phẩm chế biến sẵn), chất đạm từ các loại thịt đỏ, trứng, sữa. Ưu tiên thực phẩm có nhiều chất xơ hòa tan (các loại rau củ có độ nhớt khi chế biến), sử dụng dưới dạng hấp, luộc thay vì chiên, rán nhiều lần. Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, xen lẫn các bữa phụ là hoa quả không làm tăng đường huyết như xoài, bưởi, cam, thanh long, dâu tây… – Tập thể dục thường xuyên đã được chứng minh có khả năng làm giảm đường huyết hiệu quả, nhờ giảm đề kháng insulin. Bên cạnh đó, việc tập luyện hợp lý cũng có thể khiến người bệnh đái tháo đường kiểm soát được cân nặng, làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng trên tim, thần kinh… – Sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường: Cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, dùng thuốc đúng liều, đúng thời gian. Nếu bệnh nhân cần sử dụng insulin, bệnh nhân cần trao đổi với kỹ lưỡng với bác sĩ điều trị về cách sử dụng bút tiêm, liều tiêm…Các bệnh nhân mới được chỉ định điều trị insulin sẽ gặp khó khăn do bác sĩ ít có thời gian hướng dẫn cách tiêm và chỉnh liều. Tốt nhất nên xin bác sĩ các tờ hướng dẫn chỉnh liều insulin hoặc xin số điện thoại của bác sĩ, điều dưỡng để xin tư vấn nếu cần.
Kết luận
Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân phổ biến gây bệnh tim mạch, thận, thần kinh… Nhưng một điều đáng mừng, có tới 70% trường hợp đái tháo đường type 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng việc tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và tăng cường luyện tập thể lực. Bên cạnh đó, việc tuân thủ điều trị và kiểm tra sức khỏe thường xuyên góp phần thành công trong kiểm soát bệnh và phòng ngừa các biến chứng do bệnh gây ra. Tiền đái tháo đường: Thay đổi tương lai ngay hôm nay.