Cách chăm sóc, vệ sinh “vùng kín”
Bộ phận sinh dục nữ có chức năng đào thải nước tiểu và hoạt động tình dục nhưng do đặc điểm gần với hậu môn là nơi đào thải phân của bộ máy tiêu hóa ở phía sau nên dễ bị viêm nhiễm.
Bộ phận sinh dục nữ có chức năng đào thải nước tiểu và hoạt động tình dục nhưng do đặc điểm gần với hậu môn là nơi đào thải phân của bộ máy tiêu hóa ở phía sau nên dễ bị viêm nhiễm. Vì vậy, việc chăm sóc, gìn giữ vệ sinh cho bộ phận sinh dục ngay từ khi còn nhỏ đã là việc rất cần thiết.
Đối với bé gái còn nhỏ
Để giữ vệ sinh bộ phận sinh dục nữ cũng là việc thường xuyên rửa sạch bộ phận này. Với các bé gái còn nhỏ nên rửa ít nhất một ngày 2 lần: buổi sáng khi mới ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Khi rửa nên dùng gáo dội hoặc vòi nước cho chảy tại chỗ. Chỉ rửa phần ngoài bộ phận sinh dục, không bao giờ được cho ngón tay vào rửa bên trong âm đạo (ngay cả sau này khi các em có kinh). Khi các em đã có kinh thì mẹ và chị lớn nên hướng dẫn các em rất cụ thể các việc cần làm để giữ vệ sinh những ngày có kinh nguyệt, cụ thể là trong những ngày này cần rửa và thay băng vệ sinh ít nhất cũng 3 đến 4 lần. Cũng rửa bằng nước sạch và ấm (vào mùa lạnh), không ngâm trong chậu hoặc xịt nước vào trong âm đạo. Điều cần lưu ý là khi đi vệ sinh, lúc chùi các em nên chùi hậu môn theo hướng từ trước ra sau để tránh phân dính trên giấy có thể bám vào mép sau âm đạo và âm hộ ở phía trước. Khi các em còn nhỏ, gia đình không nên cho các em mặc quần thủng đít vì khi các em ngồi chơi lê la trên đất, bộ phận sinh dục có thể nhiễm bụi bặm, vi khuẩn, nấm mốc…
Đối với tuổi dậy thì
Từ tuổi dậy thì, việc chăm lo giữ vệ sinh bộ phận sinh dục của các em gái càng cần thiết hơn vì lúc này bộ phận sinh dục bắt đầu tiết dịch nhày từ trong cổ tử cung, âm đạo cũng như ở các tuyến quanh âm hộ. Những chất dịch tiết này thực sự không bẩn nhưng nếu không chú ý lau rửa sạch thì vi khuẩn phát triển sẽ làm các chất dịch đó có mùi hôi và khi ấy rất dễ bị nhiễm khuẩn sinh dục.
Với cấu trúc phức tạp nên khi đến tuổi dậy thì bộ phận sinh dục nữ khi có kinh và tiết dịch từ bên trong (cổ tử cung) và bên ngoài (các tuyến quanh âm hộ) khiến rất dễ bị nhiễm khuẩn. Vi khuẩn không chỉ gây bệnh ở ngoài âm hộ mà có thể lan vào trong âm đạo và lên cổ tử cung, tử cung…Vì thế nếu bị nhiễm khuẩn, mầm bệnh có thể lan vào tận trong ổ bụng gây viêm nhiễm tại bộ phận sinh dục nữ có thể dẫn đến tình trạng vô sinh sau này (do dính tử cung, tắc vòi trứng).
Chính vì thế, ở tuổi vị thành niên, cần giáo dục, hướng dẫn các em cần biết cách vệ sinh thân thể, vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách. Ngoài ra biết cách đề phòng bị lạm dụng tình dục.
Bác sĩ Nguyễn Đức