Các vị trí đau bụng: Chẩn đoán bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả
Đau bụng là triệu chứng mà hầu hết chúng ta đều từng trải qua, các vị trí đau bụng có thể cung cấp thông tin quan trọng về nguyên nhân gây ra triệu chứng này. Hiểu rõ về các vị trí đau bụng và ý nghĩa của chúng giúp bạn nhận diện các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Hãy cùng Pharmacity theo dõi bài viết sau để trang bị cho mình kiến thức cần thiết nhằm chẩn đoán sớm và chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
![Các vị trí đau bụng có thể cung cấp thông tin quan trọng về nguyên nhân gây ra triệu chứng này](https://prod-cdn.pharmacity.io/blog/cac-vi-tri-dau-bung-hinh-3.jpg)
Đau bụng là gì?
Bụng là nơi chứa các cơ quan tiêu hóa, gồm dạ dày, túi mật, gan, tụy, ruột non, đại tràng. Đau bụng là triệu chứng bệnh lý phổ biến mà nhiều người gặp phải, có thể xuất phát từ sự bất thường của các cơ quan trong ổ bụng, hoặc các cơ quan nằm bên cạnh bụng, như ngực, lưng hoặc xương chậu. Đau bụng có thể là do các cơ quan bị viêm, căng giãn, hoặc do mất máu cung cấp cho các cơ quan.
Hầu hết các nguyên nhân dẫn đến đau bụng thường không quá nghiêm trọng. Tuy vậy, cơn đau bụng và những vị trí đau bụng kèm theo các dấu hiệu bất thường có thể là triệu chứng cho thấy các bệnh lý nghiêm trọng nào đó cần được thăm khám và chẩn đoán. Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ thăm dò thêm bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh như thực hiện siêu âm ổ bụng để có thể xác định rõ các nguyên nhân.
Một số yếu tố dẫn đến đau bụng
Một số các yếu tố gây đau bụng bao gồm:
- Thói quen ăn uống không lành mạnh: Ăn những loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe hoặc ăn quá nhiều, quá no
- Hút thuốc
- Dùng một số loại thuốc để giúp điều trị bệnh có tác dụng phụ, dẫn đến các vết loét, hình thành sỏi mật hoặc gây ợ nóng nhiều và khiến bụng bị đau
Bụng là nơi hội tụ của rất nhiều đầu dây thần kinh liên kết với các cơ quan quan trọng, do đó các vị trí đau bụng nói lên nhiều điều về tình trạng sức khỏe của bạn.
![Các vị trí đau bụng nói lên nhiều điều về tình trạng sức khỏe của bạn](https://prod-cdn.pharmacity.io/blog/cac-vi-tri-dau-bung-hinh-2.jpg)
Cách nhận biết bệnh thông qua các vị trí đau bụng
Nhận biết bệnh thông qua các vị trí đau bụng có thể giúp chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng sức khỏe của bạn. Dưới đây là hướng dẫn về cách nhận diện các bệnh lý phổ biến dựa trên các vị trí đau bụng:
Đau xung quanh ổ bụng
Ổ bụng là vị trí gồm nhiều cơ quan nội tạng như gan, lách, dạ dày, tá tràng, ruột, hệ tiết niệu,… Ổ bụng là phần quanh rốn gồm hai vùng chính là thượng vị (vùng trên rốn) và hạ vị (vùng dưới rốn).
Nếu bạn đau ở vùng ổ bụng có thể là do ăn quá no, ăn nhiều các loại thực phẩm giàu chất béo, đầy hơi, không dung nạp lactose hoặc có thể đau bụng do giun,… Các cơn đau này sẽ không quá dữ dội, chúng chỉ làm cho bạn khó chịu và có thể kéo dài đến vài giờ hoặc vài ngày sau đó sẽ hết. Đây là hiện tượng bình thường, không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn cần chú ý hơn đến sức khỏe, đặc biệt là điều chỉnh lại chế độ ăn uống sao cho phù hợp.
Đau âm ỉ vùng bụng trên
Nếu bị đau âm ỉ vùng trên của dạ dày hoặc vùng bụng, đồng thời có cảm giác đầy hơi, chướng bụng có nghĩa là trong dạ dày xuất hiện và tích tụ khí dư. Nhiều khả năng bạn sẽ thấy một số triệu chứng đi kèm như sau:
- Dạ dày sưng phồng
- Đau quặn thắt từng hồi
- Ợ lên hoặc xì hơi
Nguyên nhân: Ăn nhanh nuốt lẹ, không nhai kỹ sẽ dễ gây ra các triệu chứng khó chịu ở các vị trí đau bụng nêu trên. Hơn nữa, một số loại thực phẩm làm từ sữa, đậu và đồ uống có ga, bia sẽ khiến nhiều người bị đau bụng và đầy hơi.
Giải pháp: Để tránh bị đau bụng như vậy, tốt nhất là tiêu thụ ít thực phẩm và đồ uống được liệt kê ở trên. Cách chữa nhanh chóng nhất là hãy uống một viên than hoạt tính hoặc một viên tinh dầu bạc hà.
![Đau âm ỉ vùng bụng trên](https://prod-cdn.pharmacity.io/blog/cac-vi-tri-dau-bung-hinh-1.jpg)
Đau bụng âm ỉ phía trên bên trái
Vùng bụng trên phía bên trái là một trong những vị trí đau vùng bụng cần được lưu ý, đây là nơi chứa một phần dạ dày, tuyến tụy và lá lách. Thận trái nằm ở phía sau khoang bụng, tim và phổi trái cũng nằm ngay phía trên nó.
Đau bụng phía trên rốn âm ỉ bên trái thường là do:
- Viêm tụy
- Ung thư tuyến tụy
- Ung thư dạ dày
- Lá lách to
- Viêm dạ dày
- Sỏi thận
- Loét dạ dày
- Nhiễm trùng thận (Viêm đài bể thận cấp).
Nếu các cơn đau xuất phát từ ngực lan đến vùng bụng trên phía bên trái, nó có thể là do:
- Đau thắt ngực
- Viêm màng ngoài tim
- Đau ngực không do tim
- Viêm màng phổi
- Viêm phổi
- Thuyên tắc phổi.
Đau bụng âm ỉ phía trên bên phải
Vùng bụng trên bên phải là nơi có chứa gan, ống mật và túi mật. Thận phải cũng nằm ở vùng này nhưng phía sau. Các phần đầu tiên của ruột già và ruột non cũng đi qua vùng bụng trên bên phải.
Đau bụng âm ỉ trên bên phải thường có liên quan đến bệnh gan hoặc bệnh túi mật, như:
- Viêm gan
- Sỏi mật
- Viêm ruột thừa
- Viêm túi mật
- Ung thư túi mật
- Ung thư gan
- Ung thư ống mật, sỏi và hẹp
Ngoài ra, đau âm ỉ vùng bụng trên có thể là do vấn đề cục bộ ở tá tràng, ruột già hoặc thận phải, chẳng hạn như:
- Viêm đại tràng
- Nhiễm trùng thận
- Sỏi thận
- Tắc ruột lớn
- Loét tá tràng
- Ung thư đại tràng.
![Đau bụng âm ỉ phía trên bên phải](https://prod-cdn.pharmacity.io/blog/cac-vi-tri-dau-bung.jpg)
Đau âm ỉ bụng dưới bên phải
Cơn đau bụng âm ỉ ở vùng bụng dưới bên phải là một trong các vị trí đau ở bụng cần chú ý, đây thường có liên quan đến ruột thừa. Nguyên nhân có thể do tình trạng viêm ruột thừa hoặc tình trạng hiếm gặp hơn là ung thư ruột thừa.
Đau bụng dưới ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên chú ý loại trừ mang thai ngoài tử cung (nếu bệnh nhân đau bụng nhiều, có dấu hiệu mất máu nghi là xuất huyết nội cần được phẫu thuật khẩn cấp vì có thể là biến chứng nguy hiểm do thai ngoài vỡ).
Cách phòng tránh bị đau bụng
Đau bụng là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau có liên quan đến yếu tố bên trong và bên ngoài. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh sẽ có những biện pháp phòng tránh khác nhau. Với những bệnh thông thường có liên quan đến đường tiêu hóa, cần xây dựng lối sống lành mạnh như chọn lựa thức ăn kỹ càng, vệ sinh, ăn uống đủ chất, nhai kỹ, tăng cường rau xanh, trái cây, uống đủ nước (2-2,5 lít nước mỗi ngày), bổ sung các loại thực phẩm chứa men vi sinh có lợi cho đường ruột (sữa chua, dưa muối, kim chi,…). Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, giữ cho tinh thần luôn thoải mái, lạc quan, kiểm soát căng thẳng.
Bên cạnh chế độ ăn uống, bạn cần duy trì chế độ tập luyện (150 phút/tuần) giúp tăng cường trao đổi chất và khả năng miễn dịch cho cơ thể, giúp hạn chế dùng các thức uống có cồn, đồ ăn cay nóng, nói không với thuốc lá và tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ.
Ngoài ra, mọi người cần thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể kiểm soát và phát hiện bệnh lý (nếu có), từ đó có thể điều trị kịp thời, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Hơn thế nữa, khi bản thân có những triệu chứng bất thường, không nên điều chỉnh, cần thăm khám sớm để tránh bệnh tiến triển nặng, gây khó khăn cho điều trị và tốn kém hơn.
Hiểu rõ các vị trí đau bụng và nguyên nhân gây ra chúng là bước đầu tiên để có thể bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa. Bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để nhận biết các dấu hiệu bất thường và tìm kiếm sự trợ giúp y tế kịp thời.
![Lê Ngọc Anh Thư](https://prod-cdn.pharmacity.io/blog/805289_Le-Ngoc-Anh-Thu-Le-Thu-150x150.jpg)