Các giai đoạn ung thư vú và biện pháp phòng ngừa
Bệnh ung thư vú là loại ung thư thường gặp và gây tử vong cao nhất ở nữ giới. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 2 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư vú và khoảng 600.000 người tử vong vì căn bệnh này. Đây thực sự là con số đáng lo ngại.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các giai đoạn phát triển và một số cách phòng ngừa bệnh ung thư vú.
Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa. Bình thường, các tế bào tuyến vú được sinh ra và mất đi theo một chu trình đã được lập từ trước. Cơ chế này giúp số lượng tế bào tuyến vú được sinh ra với số lượng vừa đủ, cân bằng giữa số lượng tế bào sinh ra và tế bào chết đi.
Khi có các đột biến gen xảy ra, hội tụ đủ các điều kiện đặc biệt để vượt qua được hệ thống kiểm soát miễn dịch của cơ thể, tế bào tuyến vú sẽ được sinh ra liên tục, mất kiểm soát và tạo thành các khối u bao gồm rất nhiều tế bào không bình thường. Đó là các khối u ác tính tại vú, hay còn gọi là ung thư vú. Những tế bào này có khả năng xâm lấn vào mạch máu, mạch bạch huyết xung quanh và di chuyển đến những vùng xa vị trí khối u ban đầu, tạo ra các khối di căn.
Ung thư vú là loại ung thư gây tử vong cao nhất ở nữ giới
Các giai đoạn ung thư vú
- Giai đoạn 0: Giai đoạn này các tế bào bất thường đã xuất hiện nhưng chưa lan rộng ra mô kế cận, cũng có thể gọi là ung thư tại chỗ tiếng anh là carcinoma in situ – CIS. CIS chưa gọi là ung thư nhưng tương lai có thể sẽ trở tiến triển thành ung thư.
- Giai đoạn I, II, III: Tế bào ung thư đã xác định. Giai đoạn càng muộn, khối u càng lớn, khả năng lan rộng ra mô xung quanh càng cao.
- Giai đoạn IV: Tế bào ung thư lan rộng sang các bộ phận và cơ quan khác trong cơ thể (gan, phổi, xương, não, thận, hạch các vùng khác trong cơ thể).
4 giai đoạn ung thư vú
Ngoài ra, bác sĩ có thể mô tả giai đoạn bệnh bằng một vài cách khác:
- Tại chỗ (in situ): Có tế bào bất thường nhưng chưa lan rộng ra mô xung quanh.
- Tại chỗ (localized): Ung thư chỉ giới hạn ở cơ quan khởi phát, không có dấu hiệu của sự lan tràn.
- Tại vùng (regional): Ung thư lan ra cơ quan/ mô/ hạch kế cận.
- Di căn xa (distant): Ung thư lan rộng ra các cơ quan xa trong cơ thể.
- Không biết (unknown): Không đủ thông tin để xác định giai đoạn.
Cách phòng ngừa ung thư vú
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, khám vú thường xuyên và chủ động tầm soát sớm bệnh. Một số biện pháp cụ thể như:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học:
- Ăn nhiều rau củ quả: Những loại rau họ cải như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn có khả năng giảm 20 – 40% tỷ lệ mắc ung thư vú vì chứa nhiều glucosinolate. Hoạt chất này có khả năng ức chế sự gia tăng tế bào và ngăn ngừa sự hình thành khối u ở vú.
- Giảm một số chất béo: Bánh ngọt, bánh pizza, xúc xích… chứa nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ ung thư vú.
- Hạn chế đồ uống có cồn: Lượng cồn tăng cao sẽ tăng kích thích sản xuất estrogen, tạo thuận lợi cho sự phân chia tế bào. Do đó chúng ta cần hạn chế rượu bia, đồ uống có gas.
- Bỏ thuốc lá: Những phụ nữ hút thuốc làm tăng 30% nguy cơ mắc ung thư vú, đặc biệt hút trước tuổi 20 và ít nhất 20 điếu mỗi ngày. Để phòng ngừa ung thư vú, chị em cần tránh hút thuốc lá và hít phải khói thuốc lá thụ động.
- Luyện tập thể dục đều đặn hằng ngày: Tập thể dục là một cách giúp bảo vệ và phòng ngừa ung thư vú rất hiệu quả vì nó làm giảm nguy cơ béo phì của cơ thể.
- Tránh tiếp xúc với các chất gây ung thư: Phơi nhiễm phóng xạ và một số hóa chất được biết là có thể gây ung thư vú.
- Tránh dùng liệu pháp hormone mãn kinh: Nếu bạn cần dùng hormone, hãy hạn chế sử dụng dưới 5 năm để phòng tránh ung thư vú.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần hoặc làm các xét nghiệm tầm soát ung thư vú.
Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát ung thư vú
- Thường xuyên tự kiểm tra vú tại nhà để phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường của vú: Việc kiểm tra vú hoàn toàn có thể tự thực hiện tại nhà và định kỳ mỗi tháng bạn nên kiểm tra 1 lần, thường là vào ngày thứ 7 – 10 của chu kỳ kinh (Ngày 1 của chu kỳ kinh = ngày bắt đầu thấy kinh) vì ở thời điểm này phần vú mềm nhất, bạn sẽ dễ dàng tự khám để phát hiện bất thường.
Hy vọng bài viết trên đây giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh và chủ động phòng tránh bệnh ung thư vú.