Các bài tập thở cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gây ra khó thở, mệt mỏi và giảm khả năng vận động. Tuy nhiên, một số bài tập thở có thể giúp cải thiện chức năng phổi, giảm khó thở và tăng cường chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Dưới đây là những bài tập thở phổ biến và hiệu quả cho người bị COPD:
Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Các triệu chứng của bệnh COPD thường không xuất hiện cho đến khi có tổn thương phổi đáng kể. Lúc đầu, các triệu chứng nhẹ hơn bắt đầu bằng ho từng cơn ngắt quãng và khó thở khi gắng sức. Khi tiến triển, các triệu chứng diễn ra thường xuyên với mức độ ho liên tục, ho hàng ngày và khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm:
- Khó thở, phải gắng sức để thở, cảm giác thiếu không khí, hụt hơi, nặng ngực, cơn khó thở tăng lên khi hoạt động gắng sức (leo cầu thang, tập thể dục, mang vác vật nặng…)
- Ho kéo dài, ho khô hoặc ho có đờm màu vàng hoặc xanh, thường xuất hiện vào buổi sáng.
- Thở khò khè do sự co rút của đường thở, người bệnh có thể cảm nhận tiếng khò khè trong ngực khi hít thở.
- Khi bệnh tiến triển nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng toàn thân như cơ thể mệt mỏi, sụt cân, teo các cơ xương, thiếu máu, trầm cảm,….
Thở khò khè do sự co rút của đường thở
Các bài tập thở cho người bệnh
Để cải thiện sức khỏe, mỗi người cần tập thể dục đều đặn hàng ngày, tập các bài tập phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp. Không chỉ người bệnh, những bài tập thở còn mang lại rất nhiều lợi ích cho tất cả mọi người. Hằng ngày, bạn nên tập các bài tập hít thở gồm:
Hít thở kiểu thở chúm môi
- Hít vào bằng mũi (mím môi), thở ra từ từ bằng miệng (chúm môi lại như thổi sáo). Thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào. Lặp đi lặp lại 5-10 lần.
- Mỗi ngày ít nhất 3 lần, mỗi lần 15 phút. Sau khi quen rồi có thể dùng cách thở này liên tục hằng ngày.
Tập hít vào với sự tham gia tích cực của bụng
- Nằm thẳng lưng, đặt một tay lên ngực, một tay lên bụng. Hít sâu, chậm và đều qua mũi, cảm nhận bụng nhô lên. Thở ra và cảm nhận bụng xẹp xuống. Thực hiện từ 5 – 10 nhịp thở.
- Tương tự với tư thế đứng hoặc ngồi thẳng, một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng. Hít sâu, chậm và đều qua mũi, cảm nhận bụng nhô ra. Thở ra và cảm nhận bụng xẹp lại. Cố gắng giữ nguyên tay trên ngực. Thực hiện từ 5 – 10 nhịp thở.
Bài tập thở bụng giúp hỗ trợ sức khỏe tốt
Tập thở bằng cách ho khạc chủ động
- Chuẩn bị hít thở bụng và chúm môi kết hợp 5 nhịp trước và sau khi ho.
- Hít vào sâu sau đó ép ngực và bụng thở mạnh ra gằn hơi để kích thích ho.
- Ho 3-5 lần hoặc khi mệt thì dừng lại.
- Ho khạc đến khi nào lấy được đờm ra thì ngưng.
- Mỗi ngày nên ho khạc đờm 1-2 lần (buổi sáng và trước khi đi ngủ). Uống nhiều nước ấm để loãng đờm sẽ giúp dễ khạc hơn.
Khi nào người bệnh nên gọi bác sĩ?
Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một quá trình quan trọng trong việc quản lý sức khỏe của bạn. Khi bạn là người bệnh COPD, việc nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng cần phải được theo dõi cẩn thận. Hãy chủ động liên hệ với bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng sau:
- Khó thở nặng hơn bình thường, triệu chứng không giảm sau khi dùng thuốc.
- Ho nhiều hơn, có máu trong đờm, hay cảm thấy đau tức ngực.
- Suy giảm đột ngột khả năng hoạt động hàng ngày.
- Hoặc nếu bạn cảm thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình, đừng ngần ngại gọi cho bác sĩ để được giúp đỡ và điều trị kịp thời…
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.