Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm tuyến vú là gì? Những điều cần biết về viêm tuyến vú
Tuyến vú là bộ phận quan trọng của hệ nội tiết, chịu trách nhiệm sản xuất và tiết ra sữa sau khi sinh con. Vậy nếu bị viêm tuyến vú sẽ ra sao chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Viêm tuyến vú là tình trạng nhiễm trùng mô tuyến vú khiến cho vú có dấu hiệu sưng, đỏ, nóng và đau. Viêm tuyến vú thường xảy ra nhiều nhất khi phụ nữ cho con bú nhưng đôi khi có thể xảy ra ở phụ nữ không cho con bú và nam giới. Viêm tuyến vú đôi khi khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức và khó khăn khi chăm sóc em bé.
Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm tuyến vú có thể xuất hiện đột ngột, bao gồm:
- Mô vú dày lên hoặc có khối u ở vú.
- Vú sưng tấy lên.
- Sờ vào vú cảm thấy ấm, nóng.
- Một mảng đỏ da, thường có dạng hình nêm.
- Cảm giác đau hoặc nóng rát xuất hiện liên tục hoặc khi cho con bú.
- Sốt từ 38,5 độ C.
Nguyên nhân
Vấn đề quan trọng cần xem xét là nguyên nhân và đối tượng chủ yếu gây ra viêm vú. Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao, hãy chủ động quan sát và chăm sóc sức khỏe của mình.
- Ống sữa bị tắc: Nếu vú không hoàn toàn trống sau khi cho ăn, có khả năng ống dẫn sữa sẽ bị tắc, gây nghẽn và khiến sữa chảy ngược, tăng nguy cơ nhiễm trùng vú.
- Vi khuẩn xâm nhập vào vú: Vi khuẩn từ bề mặt da và miệng của em bé có thể xâm nhập vào ống dẫn sữa qua vết nứt núm vú hoặc lỗ mở của ống. Sữa ứ đọng tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản của vi khuẩn.
- Viêm vú mạn tính và ung thư biểu mô viêm: Viêm vú mạn tính thường xuất hiện ở phụ nữ không cho con bú. Ở phụ nữ mãn kinh, nhiễm trùng vú có thể liên quan đến tình trạng viêm mạn tính của các ống dẫn dưới núm vú. Sự thay đổi nội tiết tố có thể dẫn đến tắc nghẽn của các ống dẫn sữa, làm lan rộ nhiễm trùng, và thường có khả năng tái phát sau khi được điều trị bằng kháng sinh.
Phụ nữ khỏe mạnh hiếm khi mắc viêm vú. Ngược lại, phụ nữ có bệnh tiểu đường, bệnh mạn tính, AIDS, hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Đối tượng nguy cơ
Phụ nữ đang cho con bú là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm tuyến vú nhất.
Thông thường, viêm tuyến vú sẽ xảy ra trong vòng 06 đến 12 tuần đầu tiên sau khi sinh, cũng có thể xảy ra trong quá trình cho con bú.
Có các yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến vú:
- Thường xuyên cho con bú trong tuần đầu sau sinh;
- Vú bị loét hoặc nứt;
- Không thay đổi tư thế khi cho con bú khiến sữa không thể chảy ra hết được;
- Có tiền sử mắc bệnh viêm tuyến vú trước đó;
- Sử dụng áo ngực quá chật;
- Cơ thể mệt mỏi, căng thẳng kéo dài trong thời kỳ chăm con.
Chẩn đoán
Chẩn đoán viêm vú dựa trên một số thăm khám lâm sàng và một số phương pháp sau:
- Siêu âm: giúp phân biệt khối áp xe và khối u vú, siêu âm cũng giúp phân biệt viêm tuyến vú và áp xe vú, giúp phát hiện ổ áp xe nằm sâu. Khi ổ áp xe được xác định, có thể chọc hút hoặc dẫn lưu dưới hướng dẫn siêu âm và sau đó điều trị kháng sinh.
- Cần phải cấy dịch hút để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Phụ nữ viêm tuyến vú khi không cho con bú hoặc không đáp ứng điều trị, nên được chụp nhũ ảnh hoặc sinh thiết vú. Điều này giúp loại trừ cẩn thận một số hiếm trường hợp ung thư vú dạng viêm.
Phòng ngừa bệnh
Để quá trình nuôi con bằng sữa mẹ có khởi đầu tốt nhất với bé và để tránh các biến chứng như viêm tuyến vú thì hãy cân nhắc gặp chuyên gia tư vấn cho con bú để có những lời khuyên về kỹ thuật cho con bú đúng cách.
Có thể giảm thiểu khả năng bị viêm tuyến vú bằng cách làm theo các lưu ý sau:
- Hút hết sữa ra khỏi tuyến vú mỗi khi cho con bú xong.
- Trong khi bú, cho bé bú hết một bên vú trước khi chuyển sang vú bên kia.
- Thay đổi tư thế bạn dùng để cho con bú từ lần bú này sang lần bú tiếp theo.
- Hãy chắc chắn rằng em bé ngậm vú đúng cách trong khi bú.
- Nếu bạn hút thuốc, hãy hỏi bác sĩ về việc cai thuốc lá.
Điều trị như thế nào?
- Thuốc kháng sinh: Nếu viêm tuyến vú là do nhiễm trùng vi khuẩn, bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để giết các vi khuẩn gây ra nhiễm trùng. Rất quan trọng là phải tuân thủ liều lượng và thời gian dùng thuốc như được chỉ định bởi bác sĩ.
- Thuốc giảm đau: Để giảm triệu chứng đau và sưng, bạn có thể dùng thuốc giảm đau an toàn cho việc cho con bú, như paracetamol hoặc ibuprofen. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nhà sản xuất thuốc nếu bạn đang cho con bú để được tư vấn về loại thuốc phù hợp và liều lượng.
- Tránh để vú mẹ đầy sữa khi cho con bú: Khi vú mẹ đầy sữa, nhu cầu tiết sữa cần được đáp ứng. Cho bé bú thường xuyên và hết sữa một vú trước khi chuyển sang vú kia. Điều này giúp giảm áp lực trong tuyến vú và giảm nguy cơ viêm tuyến vú.
- Xoa bóp vú trong khi cho con bú: Trong quá trình cho con bú, hãy kiểm tra cẩn thận vú và đảm bảo cho bé bú đúng cách. Nếu phát hiện có tổn thương hoặc tắc ống dẫn sữa, hãy xoa bóp nhẹ nhàng vú để giúp lưu thông sữa và giảm tình trạng sưng tấy.
- Chườm ấm bầu vú: Chườm ấm tuyến vú có thể giúp giảm sưng đau và giúp sữa lưu thông tốt hơn.
- Thay đổi tư thế cho con bú: Nếu bé có tác động không đúng hoặc tạo áp lực không đối xứng lên vú, hãy thử thay đổi tư thế cho con bú để giảm áp lực lên tuyến vú.
Hi vọng với những chia sẻ về viêm tuyến vú là gì, nguyên nhân và triệu chứng ở bài viết trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về viêm tuyến vú.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.