Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính là gì? Những điều cần biết về viêm tuyến tiền liệt cấp tính
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính là một vấn đề bệnh lý có thể gặp ở nam giới trưởng thành ở mọi độ tuổi, nhưng phổ biến hơn ở những người dưới 50 tuổi. Triệu chứng của bệnh xuất hiện đột ngột và trong nhiều trường hợp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được chẩn đoán kịp thời. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về viêm tuyến tiền liệt cấp tính qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính là tình trạng tuyến bị viêm, sưng đột ngột, gây đau nhức, đái buốt, đái rắt, đái khó, xuất tinh buốt và có thể xuất hiện dịch đục hoặc mủ ở lỗ sáo. Đa số trong các trường hợp này, nguyên nhân thường xuất phát từ một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ nằm bên dưới bàng quang và phía trước trực tràng. Bộ phận thuộc hệ tiết niệu này chỉ có ở nam giới. Một tuyến tiền liệt khỏe mạnh sẽ có kích thước bằng hạt dẻ và trọng lượng dao động từ 20-30 gram. Chức năng chính của tuyến tiền liệt là sản xuất chất lỏng, được gọi là dịch tuyến tiền liệt, chiếm 70% bên trong tinh dịch.
Tuyến tiền liệt được bao bọc bởi các mô liên kết gồm nhiều sợi cơ trơn và mô liên kết đàn hồi. Các tế bào cơ trơn cũng xuất hiện ở bên trong tuyến tiền liệt, có cơ chế co lại và ép mạnh dịch tuyến tiền liệt đến niệu đạo trong quá trình xuất tinh.
Tuyến tiền liệt được chia thành 3 vùng chính:
- Vùng trước: Đây là phần nhỏ nhất, chỉ chiếm 10% tuyến tiền liệt.
- Vùng ngoại vi: Vùng ngoại vi chiếm đa số tuyến tiền liệt với 70%
- Vùng trung tâm: Đây là vị trí liên kết tuyến tiền liệt với ống dẫn tinh và túi tinh
Tình trạng viêm tuyến tiền liệt là tình trạng viêm nhiễm ở tuyến tiền liệt gây ra những triệu chứng như đau cơ quan sinh dục, đau ở vùng tầng sinh môn và phần lưng thấp. bệnh cũng có thể gây ra những vấn đề khác làm giảm chất lượng cuộc sống như rối loạn đi tiểu, rối loạn chức năng tình dục.
Triệu chứng
Dấu hiệu viêm tiền liệt tuyến nhiễm khuẩn cấp tính:
- Tiểu khó, thường phải cố rặn ra, không đi tiểu được ngay, khi tiểu thường có cảm giác buốt, rát
- Đau vùng bẹn bìu, xương mu hoặc xung quanh “cậu nhỏ”
- Có thể xuất hiện máu ở trong nước tiểu và tinh dịch
- Có trường hợp rối loạn chức năng khi giao hợp như đau buốt khi xuất tinh hoặc rối loạn về sự co cứng dương vật, đau đớn khi xuất tinh
- Người bệnh thấy rét như bị cúm, ớn lạnh
Nguyên nhân
Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính là do vi khuẩn. Cụ thể bao gồm:
- Vi khuẩn gây nhiễm trùng tiểu có khả năng gây viêm tuyến tiền liệt, bao gồm: Proteus, Klebsiella, Escherichia coli.
- Một số vi khuẩn gây bệnh lậu và Chlamydia.
Ngoài ra, một số tình trạng bệnh lý thường gặp khác cũng có khả năng dẫn đến tình trạng nghiêm trọng này, bao gồm:
- Viêm niệu đạo.
- Viêm mào tinh hoàn.
- Hẹp bao quy đầu.
- Chấn thương đáy chậu.
- Tắc nghẽn đường ra bàng quang (có thể xảy ra do tuyến tiền liệt phì đại hoặc sỏi trong bàng quang).
- Tổn thương do sử dụng ống thông tiểu hoặc nội soi bàng quang.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố rủi ro của bệnh lý viêm tuyến tiền liệt ở nam bao gồm:
- Tuổi tác: Nam thanh niên hoặc trung niên tuổi trên 50
- Tiền sử bị viêm tuyến tiền liệt
- Người từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc cơ quan sinh dục
- Người mắc Hội chứng suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS)
- Người đặt ống thông tiểu để chẩn đoán và điều trị các bệnh đường tiết niệu
- Người từng được sinh thiết để chẩn đoán nguy cơ ung thư
- Người uống ít nước khiến cho nước tiểu ít được tống xuất, tồn đọng vi khuẩn
- Người thường bị mất nước do đặc thù công việc, bệnh lý…
- Người làm các công việc thường bị rung lắc, chấn động
Các yếu tố nguy cơ bổ sung của viêm tuyến tiền liệt có thể bao gồm:
- Áp lực tâm lý
- Người từng bị tổn thương dây thần kinh ở vùng chậu do phẫu thuật hoặc chấn thương do tập luyện thể dục thể thao.
- Người bị hẹp bao quy đầu
Chẩn đoán
Đối với tình trạng viêm tuyến tiền liệt cấp tính, ban đầu, bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh và tiến hành khám sức khỏe, để xác định nguyên nhân cơ bản. Sau đó, một số phương pháp chẩn đoán có thể được thực hiện bao gồm:
- Khám tuyến tiền liệt qua trực tràng: Trong quá trình này, bác sĩ sẽ đeo găng tay và nhẹ nhàng đưa 1 ngón tay được bôi trơn vào trực tràng để cảm nhận về tuyến tiền liệt nằm phía trước. Nếu vùng này bị viêm do vi khuẩn, dấu hiệu dễ nhận biết là hiện tượng sưng, mềm, đau nhức. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ cũng có thể xoa bóp tuyến tiền liệt để ép một lượng dịch nhỏ vào niệu đạo. Ngoài ra, dịch cũng có thể được lấy để mang đi thử nghiệm nhằm kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng (nhuộm, soi tươi hoặc và nuôi cấy dịch này để tìm vi khuẩn gây bệnh)
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để xác định vi khuẩn trong máu (nếu có sốt cao).
- Phân tích cặn nước tiểu: Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ phát hiện máu, bạch cầu hoặc vi khuẩn trong nước tiểu.
- Soi tươi dịch niệu đạo: Phương pháp này được tiến hành để xác định một số loại vi khuẩn, nấm, đơn bào… thông thường gây bệnh ở cơ quan sinh dục, tiết niệu.
- Kiểm tra niệu động học: Mục tiêu nhằm xác định một số vấn đề trục trặc liên quan đến bàng quang.
- Nội soi bàng quang: Bác sĩ tiến hành nội soi bàng quang để kiểm tra bên trong niệu đạo và bàng quang nhằm xác định các tổn thương cụ thể mà không thể nhìn thấy qua thăm khám bên ngoài.
Phòng ngừa bệnh
Một số cách phòng ngừa bệnh viêm tuyến tiền liệt cấp tính:
- Nam giới cần tránh quan hệ tình dục không an toàn, nên quan hệ 1 vợ 1 chồng hoặc chung thủy với 1 bạn tình
- Nên duy trì thói quen uống nhiều nước mỗi ngày, thường 2 – 4 lít/ngày, không nên tạo thói quen xấu là nhịn tiểu
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá,.. để phòng ngừa bệnh viêm tuyến tiền liệt
- Vệ sinh cơ quan sinh dục hàng ngày hay sau quan hệ
- Khám định kỳ hoặc khi có dấu hiệu bất thường tại cơ quan sinh dục, cần tuân thủ hướng điều trị và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa
Điều trị như thế nào?
Một số phương pháp điều trị viêm tuyến tiền liệt cấp tính phổ biến hiện nay được áp dụng:
- Không phải kháng sinh nào điều trị cũng khuếch tán tốt vào nhu mô của tuyến tiền liệt.
- Điều trị kháng sinh bước đầu, nếu chưa có kết quả cấy dịch hay cấy nước tiểu thì cần điều trị theo kinh nghiệm là hướng đến các vi khuẩn Gram âm trước.
- Kháng sinh lựa chọn đầu tay là nhóm Fluoroquinolon: hai kháng sinh được hay dùng là Ciprofloxacin 500mg/12 giờ hoặc Levofloxacin 500mg/ngày.
- Ngoài ra nhóm kháng sinh Trimethoprim- sulfamethoxazole 960mg/12 giờ cũng có hiệu quả tốt trong điều trị viêm cấp tính tuyến tiền liệt.
- Đối với nam giới trẻ, quan hệ với nhiều bạn tình có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục rất cao như vi khuẩn lậu, chlamydia: thì ưu tiên sử dụng kháng sinh Azithromycin 1g liều duy nhất hoặc Azithromycin 500mg/ngày đầu và duy trì 250mg/ ngày trong 7 – 10 ngày.
- Một số trường hợp đặc biệt có nguy cơ sốc nhiễm khuẩn hoặc nguy cơ nhiễm khuẩn huyết cần được nhập viện điều trị nội trú.
- Levofloxacin IV 500mg/ngày hoặc Ciprofloxacin IV 400mg/12 giờ
- Có thể phối hợp với nhóm thuốc aminoglycoside (Gentamycin hoặc tobramycin) nếu chức năng thận bình thường.
Trên đây là những chia sẻ về viêm tuyến tiền liệt cấp tính. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.