Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm sụn sườn là gì? Những điều cần biết về viêm sụn sườn
Viêm sụn sườn là một tình trạng gây đau thành ngực. Nguyên nhân do viêm các sụn sườn – khớp nối giữa xương sườn và xương ức. Đây không phải là một bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh có thể gây ảnh hưởng đến công việc, đến chất lượng cuộc sống của bạn. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về viêm sụn sườn
Tổng quan chung viêm sụn sườn
Để hiểu về viêm sụn sườn, đầu tiên bạn cần hiểu một chút về sụn sườn, khung xương sườn:
Sụn sườn (Costal cartilage) là những đoạn sụn nối xương ức với xương sườn, giúp kéo dài xương sườn về phía trước. Sụn sườn còn góp phần vào sự đàn hồi của lồng ngực giúp lồng ngực nở ra trong quá trình hô hấp.
Khung xương sườn là một cấu trúc xương để bảo vệ phổi và các cơ quan bên trong. Khi chúng ta hít thở, cơ hoành sẽ di chuyển xuống để không khí đi qua miệng và mũi vào phổi. Lúc này, lồng ngực nở ra, đòi hỏi xương sườn phải chuyện động, nở ra. Tuy nhiên, xương sườn khá cứng và rắn, không thể bị bẻ cong hay di chuyển, trong khi đó sụn sườn là một chất mềm mại, co giãn được nên sẽ làm nhiệm vụ giúp khung xương sườn nở ra.
Viêm sụn sườn hay còn gọi viêm khớp sụn sườn, là hiện tượng đau và căng tức thành ngực do các khớp nối giữa sụn xương sườn với xương ức bị sưng viêm. Trong viêm sụn sườn, hiện tượng viêm có thể xảy ra tại các khớp sụn sườn, khớp ức sườn, khớp ức đòn hoặc kết hợp viêm ở nhiều vị trí. Viêm khớp sụn sườn thường gây đau nhói, cơn đau sẽ tăng lên khi cử động hoặc đè ép. May mắn thay đây không phải là bệnh quá nghiêm trọng.
Triệu chứng viêm sụn sườn
Đau thành ngực là triệu chứng nổi bật và thường gặp nhất. Nếu bị viêm sụn sườn, bạn thường bị đau ở các xương sườn trên và giữa, hai bên xương ức. Cơn đau có thể lan ra sau lưng hoặc xuống bụng. Đau tăng lên khi bạn di chuyển, kéo dãn, hoặc hít thở sâu.
Những triệu chứng đau ngực có thể có nhiều nguyên nhân khác gây nên. Một trong những nguyên nhân nguy hiểm đó là nhồi máu cơ tim hoặc những bệnh lý tim mạch khác.
Nguyên nhân gây viêm sụn sườn
Nguyên nhân chính xác của viêm sụn sườn hầu hết là chưa xác định. Nhưng một số tình trạng có thể liên quan đó là:
- Chấn thương thành ngực, ví dụ như tai nạn xe hơi hoặc té ngã…
- Căng thẳng về thể chất. Ví dụ như nâng các vật nặng, những bài tập quá sức, tình trạng ho trầm trọng, kéo dài.
- Những tình trạng hô hấp hoặc nhiễm virus, vi trùng, nấm nào đó. Ví dụ như lao, giang mai, đều có thể gây viêm khớp.
- Tình trạng viêm khớp: viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp
- Khối u: Những khối u không ung thư hoặc u ung thư đều có thể gây viêm sụn sườn. Ung thư có thể di căn từ cơ quan khác tới. Ví dụ như ung thư vú, tuyến giáp, phổi
Đối tượng nguy cơ
Viêm sụn sườn thường xảy ra nhiều ở nữ và người trên độ tuổi 40. Bạn cũng có thể dễ bị viêm sụn sườn nếu bạn có một trong những tình trạng như:
- Tham gia vào những hoạt động cường độ cao
- Thực hiện lao động chân tay
- Bị dị ứng và thường xuyên tiếp xúc với những chất gây dị ứng
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm khớp phản ứng
Việc nâng vật nặng bằng tay không đúng cách có thể gây áp lực lên các cơ thành ngực. Vì vậy, hãy nâng vật nặng hay ba lô đúng cách. Người thực hiện lao động chân tay nên làm việc một cách thận trọng.
Chẩn đoán
- Chẩn đoán bệnh dựa trên triệu chứng và thăm khám lâm sàng;
- Chỉ định chụp X-quang nếu tình trạng bệnh không cải thiện sau một thời gian;
- Xét nghiệm máu nếu cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác
Phòng ngừa viêm sụn sườn
Mặc dù viêm sụn sườn không phải là bệnh lý quá nguy hiểm nhưng một khi mắc bệnh, ít nhiều tâm lý và sức khỏe người sẽ bị ảnh hưởng, chưa kể tốn kém chi phí thăm khám, điều trị. Do đó, bạn nên chủ động phòng ngừa bệnh ngay từ hôm nay bằng các biện pháp sau:
Thay đổi lối sống
- Làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; ngủ sớm trước 11 giờ.
- Nói không với thuốc lá, căng thẳng/stress
- Mỗi ngày dành 30 phút tập luyện thể dục thể thao với những bài tập vừa sức.
- Nên thay đổi thói quen ngủ nằm sấp (nếu có) sang nằm ngửa, nghiêng sang một bên.
- Trong quá trình làm việc, tránh nhấc đột ngột những vật nặng, không nên cúi khom người quá lâu để tránh tạo áp lực lên vùng ngực.
Bổ sung dinh dưỡng
Dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình tái tạo sụn và xương dưới sụn, duy trì cấu trúc khớp xương chắc khỏe. Do đó, để phòng ngừa viêm sụn sườn nói riêng, bệnh xương khớp nói chung bạn cần:
- Xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ và cân đối các dưỡng chất thiết yếu.
- Đồng thời, bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu canxi (cá, tôm, cua); thực phẩm giàu vitamin D và omega-3 (cá hồi, cá cơm, cá ngừ, cá thu); thực phẩm chứa chất chống oxy hóa (rau bina, bông cải xanh,…); thực phẩm có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn (gừng, tỏi)…
- Hạn chế những thực phẩm gây bất lợi cho xương khớp, khiến tình trạng viêm sụn sườn trở nên nghiêm trọng hơn như: Đường và thức ăn chứa nhiều đường (bánh kẹo, nước ngọt, trà sữa, kem…). Thực phẩm chứa Gluten (lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, yến mạch). Đồ uống có cồn. Các loại thịt đỏ, thịt chế biến sẵn chứa nhiều muối. Thức ăn chiên rán, chứa nhiều dầu mỡ.
- Nên bổ sung thêm những tinh chất thiên nhiên có khả năng hỗ trợ bảo vệ và tái tạo sụn khớp, xương dưới sụn từ sản phẩm chăm sóc xương khớp chuyên biệt được chuyên gia khuyến nghị.
Điều trị viêm sụn sườn như thế nào?
Việc điều trị viêm sụn sườn thường tập trung vào việc giảm đau.
Thuốc
Hầu hết các trường hợp viêm sụn sườn được điều trị bằng các thuốc không cần kê đơn. Nếu cơn đau từ nhẹ đến trung bình, bác sĩ sẽ khuyến cáo sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), như ibuprofen, naproxen.
Bác sĩ của bạn cũng có thể kê đơn một số thuốc:
- Thuốc NSAIDs mạnh cần kê toa
- Những thuốc giảm đau khác, có tính gây nghiện. Thuốc này thường được chỉ định trong những trường hợp đau trầm trọng.
- Thuốc chống trầm cảm. Những thuốc chống trầm cảm 3 vòng như amitriptyline, thường được sử dụng cho những cơn đau mạn tính. Đặc biệt, nếu cơn đau khiến bạn mất ngủ.
- Thuốc steroid uống hoặc tiêm steroid vào vùng có liên quan
Vật lý trị liệu
Điều trị vật lý trị liệu có thể bao gồm:
- Bài tập kéo dãn. Các bài tập kéo dãn chung cho các cơ vùng ngực có thể có lợi ích.
- Kích thích thần kinh. Có thể là một thủ thuật kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (transcutaneous electrical nerve stimulation TENS). Một dụng cụ gửi một dòng điện cường độ yếu thông qua miếng dán lên da, gần nơi bị đau. Dòng điện có thể làm gián đoạn hoặc che giấu những tín hiệu đau. Điều này ngăn cản chúng được truyền lên trên não.
Thay đổi lối sống
Bác sĩ cũng khuyên bạn thay đổi lối sống nếu bạn bị viêm sụn sườn mạn tính hoặc dai dẳng. Một số hoạt động có thể làm trầm trọng hơn, như chạy, nâng tạ… Lao động chân tay cũng có thể có những ảnh hưởng tiêu cực.
Bác sĩ cũng khuyến cáo bạn nên:
- Nghỉ ngơi
- Chườm đá hoặc nóng. Chườm đá thường được sử dụng trong những ngày đầu bị đau. Hãy dùng một chiếc khăn ẩm bọc đá lạnh lại. Chườm lên vùng da bị đau. Thực hiện chườm đá khoảng 3 lần/ngày, mỗi lần khoảng 20 phút. Lưu ý, không chườm đá lạnh trực tiếp lên da vì có thể gây bỏng lạnh cho da.