Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm khớp thiếu niên là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa
Viêm khớp thiếu niên phổ biến ở trẻ em, có tỉ lệ mắc bệnh khoảng 70 trên mỗi 100.000 người ở Châu Âu. Các nghiên cứu cho thấy có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ mắc bệnh này trên toàn cầu, từ 3,8 – 400 ca trên mỗi 100.000 người, phụ thuộc vào cách phân loại bệnh và vị trí địa lý. Để hiểu rõ hơn về bệnh này mời bạn đọc bài viết sau đây để biết thêm thông tin chi tiết.
Tổng quan chung
Viêm khớp thiếu niên là một bệnh viêm khớp mạn tính, thường xảy ra ở trẻ dưới 16 tuổi, không rõ căn nguyên rõ ràng, thời gian tồn tại của bệnh viêm khớp thiếu niên ít nhất trên 6 tuần, đã loại trừ được các căn nguyên khác gây viêm khớp. Bệnh viêm khớp thiếu niên được xác định khi:
- Sưng khớp hoặc có tràn dịch màng trong khớp
- Hoặc có ít nhất 2 dấu hiệu sau:
- Đau khớp thường xuyên
- Đau khi vận động
- Hạn chế vận động khớp
- Cảm giác tăng nóng tại khớp
Viêm khớp thiếu niên thường thoáng qua, nhưng bệnh gây ra các tổn thương ngoài khớp thường nặng và kéo dài có thể gây tử vong cho trẻ. Bệnh viêm khớp thiếu niên cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có biểu hiện toàn thân khác như nhiễm trùng huyết, viêm da cơ, viêm đa cơ, bệnh Kawasaki, Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Behcet, bạch huyết cấp…
Triệu chứng
Các triệu chứng phổ biến nhất là:
- Đau. Trẻ có thể không than phiền về việc đau khớp, nhưng bạn có thể để ý rằng trẻ đi cà nhắc. Đặc biệt vào lúc mới ngủ dậy hoặc sau khi nghỉ ngơi.
- Sưng. Sưng khớp khá phổ biến nhưng thường được chú ý đầu tiên ở những khớp lớn như khớp gối.
- Cứng khớp. Trẻ có vẻ vụng về hơn bình thường, đặc biệt vào buổi sáng hoặc sau khi nghỉ ngơi.
- Sốt, hạch to và phát ban. Trong một số trường hợp, có thể có sốt cao, hạch to hoặc phát ban ở thân mình. Thường nặng hơn vào buổi tối.
Viêm khớp tự phát thiếu niên có thể ở một hoặc nhiều khớp. Có một số dạng viêm khớp tự phát thiếu niên khác nhau nhưng thường gặp nhất là viêm hệ thống, viêm ít khớp và viêm đa khớp. Mỗi dạng sẽ có triệu chứng, số lượng khớp bị tổn thương khác nhau và tùy thuộc sốt với phát ban có nổi bật hay không.
Giống như những dạng viêm khớp khác, viêm khớp tự phát thiếu niên đặc trưng về thời gian triệu chứng bùng lên và thời gian triệu chứng biến mất.
Nguyên nhân
Viêm không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn có thể làm tổn thương mắt và các cơ quan khác. Các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân cụ thể khiến hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh ở trẻ em mắc bệnh viêm khớp thiếu niên. Tuy nhiên, họ cho rằng nguyên nhân có thể do yếu tố gen và môi trường.
Mặc dù chưa rõ nguyên nhân hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức gây ra bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát, tuy nhiên các nhà khoa học đã phát hiện rằng một số phân tử đóng vai trò quan trọng gây viêm. Cụ thể, ba phân tử – TNF-alpha, IL-6 và IL-1 có liên quan trực tiếp đến sự hình thành tình trạng viêm ở các khớp của nhiều trẻ em.
Đối tượng nguy cơ
Yếu tố nguy cơ viêm khớp dạng thấp thiếu niên bao gồm:
- Giới tính. Nhìn chung, viêm khớp dạng thấp thiếu niên hay gặp hơn ở trẻ em gái.
- Dân tộc. Viêm khớp dạng thấp thiếu niên dường như là phổ biến hơn ở trẻ em da trắng so với trẻ em da đen hoặc châu Á.
Chẩn đoán
Chẩn đoán viêm khớp tự phát thiếu niên có thể khó khăn vì triệu chứng đau khớp có thể do nhiều bệnh gây ra. Không có xét nghiệm riêng lẻ nào có thể chẩn đoán xác định bệnh, nhưng xét nghiệm giúp loại trừ các bệnh lý khác gây ra triệu chứng tương tự.
Xét nghiệm máu
Một số xét nghiệm máu thường dùng là:
- Tốc độ lắng máu (ESR). Là tốc độ hồng cầu lắng xuống đáy ống nghiệm. Tốc độ lắng máu tăng biểu thị tình trạng viêm. Đo ESR là phương pháp chủ yếu để xác định mức độ viêm.
- Protein C phản ứng (CRP). Đo mức độ viêm trên một thang đo khác với ESR.
- Kháng thể kháng nhân (ANA). Kháng thể kháng nhân là protein do hệ miễn dịch sản xuất ra trong các bệnh lý tự miễn, bao gồm cả viêm khớp. Là những chỉ dấu cho tăng nguy cơ viêm màng bồ đào.
- Yếu tố thấp (RF). Kháng thể này thỉnh thoảng được tìm thấy trong máu của trẻ bị viêm khớp tự phát thiếu niên.
- Peptide vòng citrulline hóa (CCP). Tương tự như yếu tố thấp, CCP là một kháng thể khác được tìm thấy trong máu của trẻ bị viêm khớp tự phát thiếu niên.
Nhiều trẻ bị viêm khớp tự phát thiếu niên không có bất thường đáng kể nào trong xét nghiệm máu.
Hình ảnh học
X-quang hoặc cộng hưởng từ (MRI) có thể được dùng để loại trừ các bệnh lý khác. Chẳng hạn như gãy xương, u, nhiễm trùng hoặc dị tật bẩm sinh. Hình ảnh học cũng có thể được dùng nhiều lần sau chẩn đoán để đánh giá sự phát triển xương và phát hiện tổn thương khớp.
Phòng ngừa bệnh
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm khớp thiếu niên vẫn chưa được xác định rõ, vì vậy không có biện pháp phòng ngừa nào hoàn toàn hiệu quả. Tuy nhiên, để giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, bố mẹ có thể thực hiện những cách sau:
Phòng tránh các nguy cơ
Để phòng tránh các nguy cơ gây bệnh viêm khớp thiếu niên ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau:
- Nhiễm trùng: Bố mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, bao gồm việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, quai bị…
- Chấn thương: Bảo vệ trẻ khỏi các hoạt động có nguy cơ cao gây chấn thương khớp như chơi các môn thể thao nguy hiểm, leo trèo… Dạy trẻ cách vận động an toàn và phù hợp với độ tuổi.
- Di truyền: Nếu gia đình có tiền sử mắc viêm khớp, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về cách giảm nguy cơ cho trẻ. Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm di truyền nhằm xác định nguy cơ mắc bệnh ở trẻ.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ là một trong những biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc viêm khớp thiếu niên, bố mẹ có thể áp dùng các cách sau:
- Thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bố mẹ nên cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là vitamin D và canxi.
- Tập thể dục thường xuyên: Khuyến khích trẻ vận động phù hợp với độ tuổi và sức khỏe để tăng cường sức đề kháng cho trẻ và giảm nguy cơ mắc các bệnh tự miễn dịch, bao gồm viêm khớp thiếu niên.
- Ngủ đủ giấc: Đảm bảo trẻ ngủ đủ 8 – 10 tiếng mỗi ngày để tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Phát hiện sớm và điều trị kịp thời
Phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh viêm khớp thiếu niên là vô cùng quan trọng để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa biến chứng cho trẻ, bố mẹ cần:
- Theo dõi sức khỏe của trẻ: Bố mẹ cần lưu ý quan sát những dấu hiệu bất thường ở trẻ như đau nhức khớp, sưng tấy, cứng khớp, giới hạn trong vận động, sốt hoặc phát ban. Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào có thể liên quan đến viêm khớp thiếu niên, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
- Khám sức khỏe định kỳ: Đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần để phát hiện sớm các dấu hiệu của viêm khớp thiếu niên. Việc này giúp phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời để trẻ có cơ hội kiểm soát bệnh tốt hơn.
Điều trị như thế nào?
Điều trị tập trung vào việc giúp trẻ duy trì mức độ hoạt động thể chất và xã hội bình thường. Để đạt được điều này, bác sĩ có thể phối hợp nhiều chiến lược giảm đau và sưng, duy trì tối đa khả năng vận động và sức mạnh. Đồng thời ngăn ngừa biến chứng.
Thuốc
Thuốc điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên được dùng để giảm đau, cải thiện chức năng và giảm thiểu tối đa tổn thương khớp.
Các thuốc thường dùng bao gồm:
- Thuốc kháng viêm non steroid (NSAIDs): Ví dụ như ibuprofen (Advil, Motrin IB) và naproxen sodium (Aleve), giúp giảm sưng đau. Tác dụng phụ bao gồm đau dạ dày và các vấn đề về gan.
- Thuốc chữa thấp khớp (DMARDs): Được dùng khi NSAIDs không thể làm giảm triệu chứng sưng đau khớp hoặc khi có nguy cơ cao tổn thương khớp sau này. DMARDs có thể kết hợp với NSAIDs và giúp làm chậm quá trình viêm khớp. Thuốc DMARDs cho trẻ em được dùng phổ biến nhất là methotrexate (Trexall). Tác dụng phụ của methotrexate bao gồm buồn nôn và các vấn đề về gan.
- Tác nhân sinh học: Còn gọi là thuốc ổn định phản ứng sinh học. Loại thuốc mới này bao gồm chất ức chế yếu tố hoại tử u (TNF), như etanercept (Enbrel) và adalimumab (Humira). Những thuốc này giúp giảm đáp ứng viêm hệ thống và ngăn ngừa tổn thương khớp. Các tác nhân khác hoạt động để lấn át hệ miễn dịch. Bao gồm abatacept (Orencia), rituximab (Rituxan), anakinra (Kineret) và tocilizumab (Actemra).
- Corticosteroids: Các thuốc như prednisone giúp kiểm soát triệu chứng cho đến khi các thuốc khác có tác dụng. Điều trị viêm ngoài khớp, chẳng hạn như viêm màng ngoài tim. Các thuốc này có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng. Vì vậy, nên được dùng trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.
Liệu pháp
Bác sĩ có thể đề nghị tập vật lý trị liệu để cho các khớp linh hoạt hơn và duy trì biên độ vận động và trương lực cơ.
Nhà vật lý trị liệu sẽ đề nghị các bài tập và các thiết bị bảo hộ tốt nhất cho trẻ và hướng dẫn trẻ tận dụng nẹp hoặc thiết bị hỗ trợ khớp để bảo vệ khớp và giữ khớp ở vị trí chức năng phù hợp.
Phẫu thuật
Trong những trường hợp nặng, cần phải phẫu thuật để cải thiện vị trí khớp.
Viêm khớp thiếu niên là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến khớp. Một số dạng viêm khớp tự phát thiếu niên có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Chẳng hạn như chậm tăng trưởng và viêm màng bồ đào. Điều trị bệnh tập trung vào kiểm soát triệu chứng, cải thiện chức năng và phòng ngừa tổn thương khớp. Nếu con bạn có các triệu chứng sưng, đau khớp hoặc cứng khớp trên 1 tuần, đặc biệt nếu trẻ có sốt, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.