Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm khớp ngón tay là gì? Những điều cần biết về viêm khớp ngón tay
Viêm khớp ngón tay là một bệnh lý phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tình trạng này không chỉ gây đau đớn mà còn hạn chế khả năng vận động của ngón tay, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về viêm khớp ngón tay, từ triệu chứng, nguyên nhân, đến các phương pháp điều trị hiệu quả, giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này và cách quản lý nó.
Tổng quan chung vềviêm khớp ngón tay
Viêm khớp ngón tay là tình trạng viêm tại các khớp ngón tay, dẫn đến đau đớn và sưng tấy. Tình trạng này có thể xảy ra tại bất kỳ ngón tay nào, bao gồm khớp ngón tay cái, khớp ngón tay út. Viêm khớp ngón tay có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phổ biến nhất là viêm khớp dạng thấp (RA), viêm xương khớp (OA), và viêm khớp vảy nến.
Phân loại các dạng viêm ở khớp ngón tay:
Viêm xương khớp (OA)
Đây là loại viêm khớp ngón tay thường gặp nhất. Lớp sụn dần bị thoái hóa (ăn mòn) và lộ ra đoạn xương dưới khớp. Những khớp chịu ảnh hưởng trực tiếp bao gồm:
-
- Khớp gian đốt gần (PIP joint)
- Khớp gian đốt xa (DIP joint)
- Khớp tại gốc ngón tay cái
Viêm khớp dạng thấp (RA)
Viêm khớp dạng thấp phát sinh do bệnh tự miễn. Các mô mềm xung quanh khớp có xu hướng viêm sưng. Khớp chịu tác động lớn nhất là khớp bàn đốt (MCP).
Bệnh gout
Bệnh gout xảy ra khi cơ thể không thể chuyển hóa axit uric đúng cách. Các phân tử này sẽ dần tích tụ, hình thành các tinh thể bên trong khớp, gây viêm sưng và đau nhức. Mặc dù bệnh gout chủ yếu ảnh hưởng đến chân, trong một số trường hợp, các khớp ngón tay cũng có thể chịu tác động tương tự.
Viêm khớp vảy nến
Thường xảy ra ở những người bị bệnh vảy nến, gây ra viêm khớp và tổn thương da.
Triệu chứng
Các triệu chứng của viêm khớp ngón tay thường xuất hiện dần dần và có thể bao gồm:
- Đau nhức tại các khớp ngón tay, đặc biệt khi cử động hoặc chạm vào.
- Sưng tấy, đỏ ửng xung quanh các khớp.
- Khớp trở nên cứng, khó cử động vào buổi sáng hoặc sau khi không hoạt động trong một khoảng thời gian dài.
- Biến dạng khớp, ngón tay có thể bị cong hoặc lệch hướng.
- Có cảm giác nóng và nhạy cảm tại khu vực bị viêm.
Nguyên nhân
Viêm khớp ngón tay có thể khởi phát từ một hoặc nhiều yếu tố nội, ngoại sinh khác nhau:
- Lão hóa, thoái hóa: Tuổi càng cao, sụn khớp càng suy yếu, tạo điều kiện khởi phát viêm.
- Chấn thương: Các tổn thương tại khớp tay do tai nạn lao động, chơi thể thao có thể gây trật khớp, dẫn đến viêm nếu không được điều trị kịp thời.
- Nhiễm khuẩn: Virus, vi khuẩn từ máu di chuyển vào màng bao quanh khớp, tạo ra chất gây viêm TNF-alpha và kích hoạt phản ứng viêm.
- Hội chứng ống cổ tay: Các dây thần kinh ở khớp cổ tay bị tổn thương, gây sưng viêm.
- Tính chất công việc: Những người thường xuyên sử dụng cổ tay, ngón tay như dân văn phòng, thợ may có nguy cơ cao mắc viêm khớp.
- Rối loạn chuyển hóa: Rối loạn chuyển hóa purin có thể làm tăng axit uric trong máu, dẫn đến bệnh gout.
- Rối loạn hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch tạo ra kháng thể tấn công các mô khỏe mạnh ở khớp ngón tay, gây viêm khớp dạng thấp.
- Di truyền: Yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp ngón tay.
- Bệnh lý về xương khớp: Các bệnh tự miễn như gout, lupus ban đỏ, tiểu đường có thể gây biến chứng về xương khớp, trong đó có viêm đau khớp ngón tay.
Ngoài ra, thừa cân béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, stress, môi trường sống ẩm thấp, nhiễm lạnh,… cũng là những yếu tố tiềm tàng có thể gây bệnh. Nhiều trường hợp cũng xuất hiện đau khớp ngón tay ở bà bầu.
Đối tượng nguy cơ
Bất cứ đối tượng nào cũng có thể bị viêm khớp ngón tay, viêm bao khớp ngón tay. Tuy nhiên những trường hợp dưới đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, cụ thể:
- Nữ giới có tỷ lệ mắc viêm khớp ngón tay cao hơn nam giới.
- Người bị béo phì.
- Người đã từng bị bong gân, bị gãy xương ở tay.
- Người hơn 40 tuổi.
- Dân văn phòng.
- Người lao động chân tay.
- Người đã mắc một số tình trạng có tính di truyền như: dây chằng khớp lỏng, khớp bị biến dạng,..
Chẩn đoán
Trong khi kiểm tra, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tìm kiếm dấu hiệu sưng hoặc u cục đáng chú ý trên khớp ngón tay. Bác sĩ có thể giữ khớp trong khi di chuyển ngón tay cái, với áp lực, chống lại xương cổ tay của bạn. Nếu chuyển động này tạo ra âm thanh, hoặc gây đau đớn hoặc cảm giác khó chịu do sụn có thể bị mòn và các xương cọ xát vào nhau.
Việc chẩn đoán viêm khớp ngón tay thường bao gồm:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng và tìm kiếm dấu hiệu sưng hoặc u cục trên khớp ngón tay.
- Xét nghiệm máu: Để phát hiện các dấu hiệu viêm nhiễm hoặc các yếu tố tự miễn.
- Chụp X-quang hoặc MRI: Để kiểm tra mức độ tổn thương của khớp và loại trừ các nguyên nhân khác.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp phòng ngừa bệnh viêm khớp ngón tay là:
- Tập luyện đều đặn: Các bài tập vận động vừa sức giúp tăng cường sức đề kháng, giảm bớt tình trạng đau cứng khớp.
- Không để tay làm việc quá nhiều: Dành thời gian nghỉ ngơi khi làm việc bằng tay quá nhiều.
- Giữ ấm cơ thể: Đặc biệt khi trời lạnh, giữ ấm cơ thể giúp giảm bớt tình trạng đau cứng khớp.
- Xử lý đúng cách khi bị cứng khớp ngón tay: Xoa bóp nhẹ nhàng hoặc dùng gel kháng viêm để cải thiện tình trạng cứng khớp.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm, selen, vitamin, khoáng chất. Tránh các món ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, và các chất kích thích.
Điều trị như thế nào?
Điều trị nội khoa
Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc kháng viêm như aspirin hoặc ibuprofen. Đồng thời, hạn chế cử động, hoạt động ngón tay, bàn tay để giảm đau. Một số loại thuốc tiêm có thể được chỉ định như:
- Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): Giúp tái tạo tế bào máu, kích thích tế bào và mạch máu, kháng viêm, giảm đau và tăng khả năng vận động cơ, khớp.
- Thuốc kháng viêm Cortisone: Tiêm trực tiếp vào khớp ngón tay nhằm giảm đau tạm thời. Tuy nhiên, có nguy cơ gây nhiễm trùng và chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn.
Vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu giúp kiểm soát các triệu chứng và điều chỉnh tư thế bàn tay, khớp ngón tay. Những bài tập tăng sức mạnh cho ngón tay, bàn tay cũng giúp bảo vệ khớp tay trước áp lực.
Băng thun, nẹp ngón tay
Phương pháp này giúp giảm đau và ngăn ngừa biến dạng khớp.
Phẫu thuật
Đối với các trường hợp nặng, không thể điều trị bằng các phương pháp trên, phẫu thuật có thể được chỉ định. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm hàn xương, thay khớp nhân tạo.