Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm gan mạn: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Viêm gan mạn tính là một bệnh lý rất phổ biến ở nước ta do tỷ lệ nhiễm viêm gan B,C và tỉ lệ sử dụng rượu bia ở mức cao. Hãy cùng tìm hiểu về Viêm gan mạn qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm gan mạn tính là tình trạng viêm của gan kéo dài hơn 6 tháng. Tình trạng viêm mạn tính này có thể có nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó nổi bật nhất là viêm gan siêu vi và lạm dụng rượu bia. Nó là bệnh lý dạng nhẹ và không gây ra tổn thương gan đáng kể. Tuy nhiên, ở một số người, tiến trình viêm phá huỷ cấu trúc và chức năng gan dần dần. Tình trạng này dẫn đến xơ gan, suy gan và có thể là ung thư gan.
Triệu chứng
Khoảng 2/3 bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng và dần dần phá huỷ chức năng gan. Bệnh thường gây mệt mỏi và chán ăn, cảm giác mệt mỏi tăng dần trong ngày và gây suy nhược cơ thể. Những triệu chứng khác có thể bao gồm khó chịu vùng bụng trên rốn, buồn nôn và đau nhức người.
Tuy nhiên, nếu bệnh trở nên nặng hơn, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Da và tròng mắt bị nhuốm vàng
- Bụng phình to và chứa dịch
- Sụt cân, yếu cơ
- Nước tiểu sậm màu
- Dễ bầm da và hay chảy máu,
- Lú lẫn.
Nguyên nhân viêm gan mạn
Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm gan mạn tính, trong đó thường gặp nhất là:
- Viêm gan mạn do virus viêm gan B (HBV): Hơn 10% dân số Việt Nam bị nhiễm virus viêm gan B mạn tính. Ở người lớn, có khoảng 5-10% người mắc viêm gan B cấp tính trở thành mãn tính. Đối với trẻ em, viêm gan B cấp trở thành mãn tính chiếm tới 90% ở trẻ sơ sinh và 25-50% ở trẻ nhỏ.
- Viêm gan mạn do virus viêm gan C (HCV): Khoảng 1% dân số Việt Nam bị nhiễm virus viêm gan C mạn tính. Hơn 75% người bệnh mắc viêm gan C cấp tính trở thành mãn tính sau đó.
- Viêm gan mạn do lạm dụng bia rượu: Khi gan tiếp nhận và xử lý rượu bia, các chất độc gây hại cho gan được sản sinh ra. Càng uống nhiều rượu hoặc uống trong thời gian dài càng gây tổn thương gan, khiến tình trạng viêm gan lan rộng; lâu ngày dẫn tới xơ gan.
- Viêm gan mạn do mắc gan nhiễm mỡ không do rượu: Thường xảy ra ở những người thừa cân, béo phì hoặc có nồng độ bất thường của cholesterol và các chất béo khác trong máu. Điều này khiến cơ thể tổng hợp chất béo nhiều hơn. Kết quả là lượng chất béo tích tụ trong tế bào gan lớn, gọi là gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến viêm gan mạn tính và cuối cùng tiến triển thành xơ gan.
- Viêm gan tự miễn: Là một loại bệnh viêm gan mạn tính, xảy ra do rối loạn miễn dịch. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, trong đó chủ yếu là phụ nữ.
- Viêm gan mạn do thuốc: Có một vài loại thuốc nếu sử dụng trong thời gian dài có khả năng gây viêm gan mạn tính như amiodarone, isoniazid, methotrexate, methyldopa, nitrofurantoin, tamoxifen; hiếm gặp hơn là acetaminophen.
Đối tượng nguy cơ viêm gan mạn tính
Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc viêm gan mạn tính, đặc biệt là:
- Những người có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh liên quan đến gan, mật. Những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ hiện đang nổi lên như một nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh viêm gan mạn tại Mỹ.
- Những người có chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh như nạp nhiều chất béo bão hòa, cholesterol, đường và ít chất xơ cũng có nguy cơ mắc viêm gan mạn tính.
- Người uống bia rượu thường xuyên trong thời gian dài.
- Người có lối sống tình dục không lành mạnh.
- Người có người thân mắc viêm gan B, C. Theo WHO, tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan C cao đã được báo cáo ở những người tiêm chích ma túy và những người chạy thận nhân tạo hoặc truyền máu nhiều lần.
Chẩn đoán
Để có kết luận chính xác về suy gan mạn, bác sĩ có thể sẽ thực hiện một số phương pháp chẩn đoán sau:
- Xét nghiệm máu: Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ biết được hiệu quả hoạt động của gan.
- Siêu âm, Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ), Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) trong một số trường hợp có thể tìm ra nguyên nhân
- Sinh thiết gan: Trong một số ít trường hợp Bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu mô gan nhỏ và mang đi kiểm tra để xác định chính xác tình trạng suy gan hoặc các bệnh lý về gan liên quan.
Phòng ngừa bệnh viêm gan mạn tính
Bệnh có thể phòng tránh bằng các biện pháp đơn giản như:
- Tiêm vaccine phòng viêm gan virus
- Có chế độ ăn uống cân bằng bằng cách bổ sung rau, củ, quả, thực phẩm giàu protein (1-1,5g protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể) và ngũ cốc nguyên hạt.
- Hạn chế chất béo (có thể dùng chất béo có nguồn gốc thực vật như như dầu ô liu, dầu hướng dương…), cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn uống.
- Ăn chín, uống sôi, nhất là không ăn sống các loại hải sản có vỏ tránh vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập cơ thể gây nhiều bệnh lý nguy hiểm, không uống bia rượu quá nhiều.
- Tránh các nguy cơ cao làm lây nhiễm viêm gan B hoặc C như sử dụng chung đồ dùng cá nhân, tiêm chích ma túy hoặc quan hệ tình dục không an toàn. Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ vì lạm dụng thuốc hoặc sử dụng sai liều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến gan.
- Duy trì cân nặng hợp lý, luyện tập thể dục đều đặn, tuân thủ lịch kiểm tra sức khỏe gan mật định kỳ giúp phát hiện bệnh sớm (nếu có).
Điều trị viêm gan mạn tính như thế nào?
Mục tiêu chính của việc điều trị viêm gan mạn tính là ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa tình trạng xơ gan và suy gan.
- Viêm gan mạn tính do viêm gan siêu vi B hoặc C thường được điều trị bằng thuốc kháng virus, các loại thuốc mới đang được sử dụng có hiệu quả rất tốt.
- Trong trường hợp viêm gan do rượu, việc ngừng uống rượu hoàn toàn là cách tốt nhất để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh và giúp phục hồi chức năng gan.
- Nếu viêm gan do bệnh lý đặc biệt khác, điều trị cụ thể sẽ được áp dụng cho từng bệnh lý. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ để có thông tin chi tiết hơn.
Nếu bạn đã có dấu hiệu xơ gan hoặc suy gan, cần thực hiện kiểm tra chức năng gan định kỳ và tầm soát ung thư gan như đã đề cập ở trên.
Trên đây là những chia sẻ về viêm gan mạn. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.