Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm bao hoạt dịch khớp vai là gì? Những điều cần biết về viêm bao hoạt dịch khớp vai
Viêm bao hoạt dịch là bệnh lý nguy hiểm thường gặp ở vị trí khớp vai, khớp gối, khuỷu tay, cổ tay… gây ra các cơn đau nhức dữ dội và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của người bệnh. Vậy viêm bao hoạt dịch khớp vai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng ra sao? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Viêm bao hoạt dịch khớp vai là tình trạng bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi, gây nên hiện tượng đau nhức, sưng đỏ ở vị trí giữa đầu xương cánh tay và mỏm cùng vai. Theo đó, bao hoạt dịch tại vị trí này là những túi chứa đầy chất lỏng, đóng vai trò như bộ phận đệm giữa xương và mô liên kết, giúp giảm ma sát đồng thời hỗ trợ cơ, xương hoạt động trơn tru.
Nghiên cứu cũng cho thấy, các bao khỏe mạnh chỉ có độ dày trung bình khoảng 0,74mm, trong khi bao hoạt dịch bị viêm dày đến 1,27mm, chênh lệch đến 0,53mm. Bởi vì không gian dưới da nhỏ nên sự thay đổi này cũng có thể gây đau và mỏi vai.
Khi chấn thương vai xảy ra hoặc vận động quá sức, chất lỏng trong bao hoạt dịch sẽ tụ lại thành từng chùm, dẫn đến viêm. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột rồi biến mất hoặc kéo dài dai dẳng, dữ dội tùy theo mức độ nghiêm trọng.
Triệu chứng
Không giống như nhiều căn bệnh khác, triệu chứng của viêm bao hoạt dịch khớp rất dễ nhận biết, bao gồm:
- Khớp sưng và tấy đỏ.
- Người bệnh cảm thấy đau nhức hoặc cứng khớp, cơn đau sẽ chuyển biến nặng hơn khi người bệnh di chuyển hoặc ấn vào.
- Có thể xuất tiết dịch nhiều gây ứ dịch trong bao hoạt dịch hoặc tràn dịch khớp.
- Nếu bị viêm bao hoạt dịch khớp gối thì người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn khi di chuyển, viêm bao khớp cổ tay thì khó khăn khi cầm nắm.
Nguyên nhân
Người bệnh có thể bị viêm bao khớp gối, viêm bao khớp cổ tay hay viêm bao khớp vai nhưng chúng đều có thể xuất phát từ các nguyên nhân khách quan, chủ quan sau:
- Do bị chấn thương: Các khớp khủy tay, khớp gối thường có bao hoạt dịch nằm dưới da nên khi bị chấn thương sẽ làm cho bao hoạt dịch bị tổn thương và viêm nhiễm;
- Do nghề nghiệp: Những nghề bắt buộc phải vận động thường xuyên, lao động chân tay nhiều như làm vườn, lao công… hay vận động viên thể thao sẽ khiến cho khớp phải hoạt động thường xuyên và chịu nhiều áp lực, vì thế mà bao hoạt dịch bị tổn thương và gây ra bệnh;
- Do tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc phải bệnh viêm bao hoạt dịch khớp càng lớn bởi tuổi tác làm cho xương khớp bị lão hóa và mất đi độ chắc khỏe, dễ bị tổn thương;
- Do bệnh lý: Người bệnh đã và đang mắc phải các bệnh lý như bệnh gout, thấp khớp, tiểu đường … cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm bao hoạt dịch khớp.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch khớp vai là:
- Những người thường xuyên thực hiện các chuyển động vai lặp đi lặp lại: họa sĩ, thợ mộc, người chơi bóng chày, quần vợt, bóng đá…
- Người đang mắc phải các bệnh lý như: viêm khớp dạng thấp, gút, tiểu đường, bệnh thận, bệnh tuyến giáp…
- Tuổi tác cao.
- Thường xuyên không khởi động kỹ trước khi tập luyện thể dục thể thao.
- Những công việc đòi hỏi nâng vật nặng thường xuyên.
Chẩn đoán
Một số phương pháp chẩn đoán viêm bao hoạt dịch khớp vai là:
Chẩn đoán lâm sàng: Dựa trên các triệu chứng tại chỗ như tình trạng đau, mức độ đau, vùng sưng tấy, bầm tím vùng khớp bị viêm.
- Phân tích dịch khớp: Có tác dụng chẩn đoán tình trạng viêm và nguyên nhân gây viêm. Bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật chọc hút dịch khớp để xét nghiệm.
- Chụp X-quang, cộng hưởng từ MRI hoặc siêu âm: Xác định các tổn thương, tràn dịch trong ổ khớp và phân biệt với các bệnh lý xương khớp khác.
Phòng ngừa bệnh
Để giảm nguy cơ bao hoạt dịch khớp bị viêm, bạn cần lưu ý một số điều như:
- Hạn chế mang vác nặng, hoạt động lặp đi lặp lại ở một vùng khớp để tránh sức ép lên bao hoạt dịch tại các vùng khớp như khớp gối, khớp háng, khớp cổ tay.
- Kiểm soát cân nặng để tránh tạo nhiều áp lực lên các vùng xương khớp.
- Thường xuyên tập thể dục, ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga,…
- Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi giúp nuôi dưỡng sụn khớp chắc khỏe.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh lý liên quan đến xương khớp.
Viêm bao hoạt dịch khớp là một trong những bệnh lý có tỷ lệ gây bại liệt, tàn phế cao nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, bạn cần thăm khám với bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu bất thường ở khớp, đồng thời kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị để bệnh sớm bình phục và ngăn ngừa tái phát dài lâu.
Điều trị như thế nào?
Viêm bao hoạt dịch khớp là căn bệnh gây ra nhiều đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Ngay khi phát hiện dấu hiệu của bệnh, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng và đưa ra phương án điều trị bệnh phù hợp.
- Khi phát hiện bệnh, người bệnh sẽ phải nghỉ ngơi và dừng các hoạt động trong vòng ít nhất 2 – 3 tuần. Khớp bị viêm sẽ được cố định bằng băng thun hoặc nẹp trong thời gian đầu để giảm đau và giảm tình trạng viêm của khớp. Ngoài ra, để giúp giảm sưng và đau nhanh chóng thì người bệnh có thể chườm đá và sử dụng các loại thuốc kháng viêm như ibuprofen, aspirin, naproxen…
- Trường hợp viêm bao khớp do nhiễm trùng gây ra thì bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh; chọc hút bớt dịch trong bao hoạt dịch để giảm đau tạm thời. Tuy nhiên, việc chọc hút quá nhiều có thể khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ tổn thương phần mềm ở vùng chọc, nhiễm trùng lan rộng. Chính vì thế nếu điều trị trong vòng 12 tuần mà bệnh không thuyên giảm thì người bệnh cần phải nội soi khớp hoặc phẫu thuật mở để chữa lành các tổn thương và làm giảm áp lực lên túi hoạt dịch.
Ngoài ra, một số biện pháp có thể giúp người bệnh viêm bao hoạt dịch khớp kiểm soát tình trạng bệnh và giảm đau hiệu quả gồm:
- Nghỉ ngơi và hạn chế cử động khu vực bị viêm để giúp tăng độ phục hồi;
- Chườm đá có thể giúp giảm sưng, đau;
- Nếu bị viêm bao khớp gối thì hãy đặt một chiếc gối giữa hai chân khi nằm nghiêng một bên để giảm áp lực lên đầu gối;
- Nếu bị viêm bao khớp khuỷu tay thì hãy tránh đè lên tay khi nằm nghiêng;
- Nếu muốn chơi các môn thể thao đối kháng thì phải mặc đồ bảo hộ khi chơi;
- Không nên lặp đi lặp lại các hoạt động;
- Đi khám bệnh thường xuyên để bác sĩ xem xét các tổn thương dây chằng, khớp và xương (nếu có).
Viêm bao hoạt dịch khớp là bệnh thường gặp, gây đau đớn và giới hạn các hoạt động thường ngày dẫn tới ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy trong vận động thường ngày, bệnh nhân cần chú ý không gây áp lực nhiều lên vùng khớp bị ảnh hưởng.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm bao hoạt dịch khớp vai.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.