Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm bao hoạt dịch khớp gối là gì? Những điều cần biết về viêm bao hoạt dịch khớp gối
Viêm bao khớp gối thường xảy ra ở người cao tuổi. Bệnh gây ra tình trạng viêm, sưng và tấy đỏ tại đầu gối và các khớp xung quanh. Vậy triệu chứng, nguyên nhân là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Viêm bao hoạt dịch khớp gối (viêm màng hoạt dịch khớp gối) là tình trạng viêm túi chứa dịch lỏng ở khớp gối. Bao hoạt dịch giúp giảm ma sát và là miếng đệm chịu lực giữa hai đầu xương và gân, cơ, da gần khớp.
Bao hoạt dịch ở bất kỳ vị trí nào trong khớp gối cũng đều có khả năng bị viêm. Tuy nhiên, vị trí trước xương bánh chè, phía bên trong đầu gối và bên dưới khớp là dễ bị viêm nhất. Tổn thương này gây đau đớn và hạn chế tầm vận động của người bệnh. Điều trị thường là kết hợp những biện pháp chăm sóc tại nhà cùng phương pháp điều trị từ bác sĩ để cải thiện tình trạng viêm và đau nhức.
Triệu chứng
Tùy vào vị trí bao hoạt dịch chịu ảnh hưởng và nguyên nhân gây viêm sưng, triệu chứng của bệnh có thể khác nhau. Về cơ bản, thoát vị bao hoạt dịch khớp gối được nhận biết qua 6 triệu chứng:
- Khớp gối chịu áp lực nặng nề trong thời gian dài khiến vùng đầu gối có cảm giác ấm nóng, mềm và sưng đỏ.
- Nhìn từ bên ngoài, người bệnh có thể thấy vùng khớp bị viêm có biểu hiện bầm tím hoặc phát ban. Khi ấn vào khớp gối bị viêm bao hoạt dịch, bệnh nhân cảm thấy rất đau. Cơn đau tăng lên nhiều hơn khi di chuyển, vận động và thậm chí không thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
- Cơn đau diễn tiến âm ỉ, đôi lúc khởi phát đột ngột gây nhiều phiền toái cho người bệnh.
- Đau nhức còn xuất hiện vào buổi sáng khi thức dậy hoặc sau giấc ngủ ngắn giữa ngày. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, tình trạng đau sưng xuất hiện bất cứ lúc nào, đồng thời, làm gián đoạn giấc ngủ của bệnh nhân.
- Đi cùng với cơn đau là hiện tượng cứng khớp, ảnh hưởng tiêu cực đến tầm vận động của khớp gối. Cụ thể, bệnh nhân gặp khó khăn khi thực hiện động tác đơn giản như đứng lên, ngồi xuống, duỗi thẳng hoặc gập đầu gối.
- Xuất tiết nhiều dịch, gây ứ đọng dịch trong bao hoạt dịch hoặc tràn dịch khớp gối.
Nguyên nhân
Nguyên nhân viêm bao khớp gối thường gặp:
Người bệnh thường bị viêm bao hoạt dịch khớp gối là do:
- Khớp gối phải chịu áp lực thường xuyên và kéo dài.
- Vận động khớp gối quá mức.
- Chấn thương khớp gối.
- Viêm bao hoạt dịch.
- Biến chứng do thoái hóa khớp (arthrosis), bệnh gút, viêm khớp dạng thấp.
Đối tượng nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm bao hoạt dịch đầu gối, bao gồm:
- Người làm vườn và thợ sửa ống nước có nhiều nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch đầu gối.
- Thừa cân, béo phì: Cân nặng quá mức gây nhiều áp lực lên khớp gối, lâu dần dẫn đến sụn khớp bị phá hủy.
- Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp làm suy giảm chức năng của màng hoạt dịch bên trong khớp, khiến màng hoạt dịch bị tổn thương và viêm nhiễm.
- Một số môn thể thao: Các môn thể thao mang tính đối kháng và gây chấn thương trực tiếp, ngã hoặc tiếp đất với đệm như bóng đá, đấu vật, bóng chuyền cũng khiến người chơi dễ mắc bệnh viêm bao hoạt dịch đầu gối.
Chẩn đoán
Tiền sử bệnh và khám lâm sàng
Bên cạnh thu thập thông tin tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ khám thực thể người bệnh để đánh giá thời gian khởi phát, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng:
- So sánh tình trạng hai đầu gối, đặc biệt là khi cơn đau chỉ xuất hiện một bên.
- Ấn nhẹ vào khu vực quanh khớp gối để đánh giá tình trạng sưng, nóng và nguồn gốc cơn đau.
- Kiểm tra da ở khu vực ảnh hưởng để xác định liệu có triệu chứng mẩn đỏ hoặc nhiễm trùng không.
- Chuyển động nhẹ đầu gối của người bệnh để đánh giá phạm vi chuyển động, đồng thời xem thử cơn đau có xuất hiện không, mỗi khi đầu gối gập lại hoặc di chuyển quá mức.
Chẩn đoán hình ảnh
Để loại trừ các chấn thương có thể gây ra những triệu chứng tương tự như viêm bao hoạt dịch, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh như:
- X-quang: Kết quả X-quang giúp phát hiện vấn đề ở xương hoặc viêm khớp.
- MRI: Phương pháp này sử dụng sóng radio và từ trường mạnh tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc xương khớp. Qua đó, bác sĩ có thể quan sát được vị trí mô mềm như bao hoạt dịch.
- Siêu âm: Phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá rõ hơn về tình trạng sưng tấy ở vùng bao hoạt dịch bị viêm.
Phân tích dịch khớp
Với trường hợp viêm bao khớp gối, nếu bác sĩ nghi ngờ bị nhiễm trùng hoặc mắc bệnh gout, có thể được tiến hành phân tích dịch khớp. Người bệnh sẽ được lấy một ít dịch ở bao hoạt dịch để kiểm tra.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp phòng ngừa bệnh như:
- Nghỉ ngơi nhiều, hạn chế vận động mạnh, liên tục tại vùng viêm bao hoạt dịch để vết thương nhanh hồi phục hơn.
- Bệnh nhân có thể chườm đá để nhanh chóng giảm sưng đau.
- Nếu bệnh nhân bị trật xương bánh chè, hãy kê thêm một chiếc gối giữa hai chân và nằm nghiêng khi ngủ. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể căng thẳng cho phần đầu gối.
- Nếu bệnh nhân bị viêm bao hoạt dịch ở khuỷu tay, cần lưu ý khi nằm nghiêng để tránh chèn ép vào bàn tay bị thương.
- Khi người bệnh muốn chơi các môn thể thao tiếp xúc nhiều hơn, nhớ mặc thêm đồ bảo hộ khi chơi. Đây sẽ là cách bảo vệ vùng bị viêm không bị nặng hơn.
- Không lặp lại hoạt động quá thường xuyên, vì điều này có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm.
- Thường xuyên thăm khám định kỳ để theo dõi các tổn thương dây chằng, xương khớp.
Viêm bao hoạt dịch là một tình trạng khá phổ biến.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng bị giới hạn những hoạt động hàng ngày. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đối đến cuộc sống và công việc. Do đó, khi sinh hoạt, người bệnh cần lưu ý tránh gây áp lực nhiều lên vùng khớp đã bị ảnh hưởng.
Điều trị như thế nào?
Tình trạng viêm này thường sẽ cải thiện tốt dần theo thời gian nên việc điều trị chủ yếu là làm giảm bớt triệu chứng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm và bao hoạt dịch nào đang bị ảnh hưởng mà bác sĩ đưa ra một hoặc nhiều phương pháp điều trị.
Thuốc
Nếu nhiễm trùng gây ra viêm bao hoạt dịch khớp gối, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh.
Trị liệu
Bạn có thể được giới thiệu về phương pháp vật lý trị liệu với các chuyên gia để hướng dẫn thực hiện những bài tập cải thiện tính linh hoạt và tăng cường sức mạnh cho cơ bắp. Liệu pháp này giúp giảm đau và giảm nguy cơ tái phát các đợt viêm bao hoạt dịch khớp gối. Sử dụng băng quấn bảo vệ đầu gối khi quỳ cũng giúp giảm bớt sưng tấy tại khớp gối.
Phẫu thuật và các thủ thuật khác
Các phương pháp xâm lấn hơn trong điều trị viêm bao hoạt dịch khớp gối bao gồm:
- Tiêm corticosteroid: Nếu viêm bao hoạt dịch kéo dài và không đáp ứng với những phương pháp điều trị cơ bản, bác sĩ sẽ tiêm corticosteroid vào bao hoạt dịch bị ảnh hưởng để giảm bớt viêm. Tình trạng viêm thường giảm bớt nhanh chóng nhưng bạn có thể cảm thấy đau và sưng do tiêm thuốc trong vài ngày.
- Chọc hút dịch (aspiration): Bác sĩ có thể sử dụng một cây kim nhỏ đưa vào bao hoạt dịch để hút bớt lượng dịch dư thừa và điều trị viêm. Thủ thuật này có khi gây đau và sưng trong thời gian ngắn. Sau đó, bạn có thể cần mang vật cố định đầu gối sau khi tiêm để giảm nguy cơ sưng tái phát.
- Phẫu thuật: Nếu bạn bị viêm bao hoạt dịch mạn tính nặng hoặc tái đi tái lại và không đáp ứng với phương pháp điều trị khác, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật loại bỏ bao hoạt dịch.
Thay đổi lối sống và các biện pháp tại nhà
Để giảm bớt đau đớn và khó chịu do viêm bao hoạt dịch khớp gối mang lại, bạn có thể:
- Giảm hoạt động khớp gối: Bạn nên tạm ngưng các hoạt động dẫn đến viêm bao hoạt dịch và hạn chế những chuyển động khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Sử dụng ngắn hạn các thuốc giảm đau, kháng viêm như aspirin, ibuprofen hay naproxen cũng giúp giảm bớt đau đớn.
- Chườm đá: Chườm đá lên đầu gối trong 20 phút mỗi lần và thực hiện vài lần một ngày, tiếp tục nếu cơn đau có đáp ứng tốt
- Quấn băng thun: Sử dụng băng thun hoặc đồ bảo vệ đầu gối cũng giúp giảm sưng hiệu quả.
- Nâng cao đầu gối: Bạn có thể dùng gối để kê cao đầu gối lên. Điều này giúp giảm bớt sưng tấy ở khớp gối.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm bao hoạt dịch khớp gối.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.