Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
U tủy sống là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Bệnh u tủy sống là tình trạng tủy sống xuất hiện những khối u gây chèn dây thần kinh vào các cấu trúc thần kinh trong ống sống. Khi khối u phát triển to lên, chúng sẽ gây chèn ép vào tủy sống dẫn đến sự thiếu hụt về thần kinh ở đoạn tủy sống phía dưới. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về bệnh u tủy sống.
Tổng quan chung u tủy sống
U tủy sống là tình trạng có những khối u phát triển trong tủy sống hoặc ở màng cứng (lớp phủ bên ngoài tủy sống). Các khối u tủy sống có thể bao gồm:
- Khối u nội tủy, xuất phát từ các tế bào nằm bên trong tủy sống. Ví dụ như u tế bào hình sao, u thần kinh đệm,…
- Khối u ngoài tủy, dưới màng cứng phủ bên ngoài tủy hoặc nằm tại các rễ thần kinh vươn ra khỏi tủy sống. Các khối u này tuy nằm bên ngoài tủy nhưng vẫn có thể tạo áp lực chèn lên tủy và ảnh hưởng đến chức năng của tủy sống. Ví dụ như u vỏ bọc thần kinh, u sợi thần kinh, u màng não,…
- Khối u ngoài tủy, ngoài màng cứng: Thường gặp do u di căn, thứ phát..
Và cho dù khối u nằm bên trong tủy hay nằm ngoài tủy, khối u vừa mới phát triển hay khối u di căn từ các khối u khác thì cũng có thể dẫn đến các vấn đề về thần kinh, gây tàn tật vĩnh viễn hoặc thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Triệu chứng u tủy sống
Các khối u tủy sống thường phát triển chậm nên các triệu chứng ở giai đoạn đầu cũng ít rõ rệt. Các triệu chứng u tủy sống thường kéo dài trong nhiều tháng và có thể nhầm lẫn với các cơn đau bình thường khác.
Dấu hiệu có khối u trong tủy sống cũng thường khác nhau ở mỗi người. Nhìn chung, cơ thể có thể sẽ có các dấu hiệu cảnh báo sau nếu có khối u ở tủy sống:
- Đau cổ hoặc đau lưng kéo dài. Đây là triệu chứng phổ biến nhất ở người bị đau tủy sống. Cơn đau có thể khu trú (chỉ đau ở một vị trí nhất định) hoặc có thể lan rộng ra một vùng rộng hơn. Cơn đau do bệnh u tủy sống có thể trở nên rõ ràng hơn sau một chấn thương nhỏ, chẳng hạn như một tai nạn thể thao. Ngoài ra, cơn đau thường sẽ nghiêm trọng hơn vào buổi tối, khiến bạn mất ngủ. Còn được gọi là hội chứng tại nơi tổn thương.
- Giảm kỹ năng vận động. Người bị u tủy sống thường đi lại khó khăn, nguy cơ té ngã cao.
- Yếu cơ, có thể tiến triển thành liệt nếu không được điều trị kịp thời
- Rối loạn cảm giác hoặc có cảm giác tê ở vị trí cột sống, ít nhạy cảm hơn với nhiệt độ nóng – lạnh hoặc thậm chí không cảm thấy đau khi bị lực tác động vào vùng lưng, cổ.
- Mất kiểm soát cơ vòng , gây bí tiểu,…
- Biến dạng cột sống. Với trẻ em bị u tủy sống sẽ có nguy cơ bị vẹo cột sống.
Nguyên nhân u tủy sống
Hiện nay, vẫn chưa thể tìm ra chính xác nguyên nhân vì sao các khối u lại phát triển ở tủy sống. Nhiều giả thuyết cho rằng bệnh u tủy sống xuất phát do các gen khiếm khuyết gây nên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải đáp xung quanh giả thuyết này, chẳng hạn như các khiếm khuyết gen là do di truyền hay chỉ được hình thành do môi trường sống, khi tiếp xúc với hóa chất,…
Đối tượng nguy cơ
Một số trường hợp có nguy cơ bị u tủy sống cao hơn bao gồm:
- U sợi thần kinh type 2: Bệnh lý rối loạn di truyền này gây nên các khối u tại mô thần kinh, chủ yếu là u thần kinh thính giác bẩm sinh (u tế bào tiền đình). U sợi thần kinh type 2 thường di truyền từ bố mẹ sang con cái.
- Bệnh Von Hippel-Lindau: Rối loạn thần kinh di truyền này có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của cơ thể và làm tăng nguy cơ bị u tủy sống. Người mắc bệnh có thể bị mù lòa, tổn thương não hoặc tử vong.
Chẩn đoán
Nếu bạn có các dấu hiệu u tủy sống, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để có thể xác định chính xác tình trạng bệnh:
- Chụp MRI: Chụp MRI là cách tốt nhất để tìm các khối u trong não và tủy sống, kiểm tra mạch máu, lưu lượng máu và hoạt động trong não.
- Chụp CT: Chụp CT giúp tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể của bạn, giúp bác sĩ có thể xem xét và đánh giá các xương xung quanh khối u ở tủy sống.
- Chụp PET: Chụp PET hay còn gọi là chụp cắt lớp phát xạ positron giúp ghi lại hình ảnh chuyển hóa của khối u. Kết quả chụp PET giúp bác sĩ có thể đánh giá giai đoạn bệnh, xác định vị trí cần thực hiện sinh thiết và cân nhắc phương án điều trị phù hợp.
- Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy ra các mảnh nhỏ của mô não hoặc tủy sống để kiểm tra các tế bào khối u. Sinh thiết thường là cách duy nhất để biết chính xác loại khối u tủy sống bên trong cơ thể người bệnh.
Phòng ngừa bệnh u tủy sống
Khối u tủy sống nguyên phát là không thể phòng ngừa được. Đối với trường hợp u tủy sống thứ phát do di căn từ các u ở nơi khác, không phải tất cả các trường hợp đều phòng ngừa được. Việc phòng ngừa các khối u tủy sống thứ phát tốt nhất là điều trị các khối u nguyên phát khi đã được chẩn đoán ung thư, để ngăn chặn các khối u này di căn đến tủy sống.
Điều trị u tủy sống như thế nào?
Tùy mức độ bệnh, tình trạng bệnh mà phương pháp điều trị u tủy sống sẽ có những sự khác biệt nhất định, cụ thể:
- Nếu bệnh nhân có khối u lympho hay u tế bào mầm germinoma: Các bác sĩ có thể tính đến phương pháp hóa trị hoặc xạ trị. Tuy nhiên, phần lớn những trường hợp được chẩn đoán u tủy sống đều cần thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối u và giải phóng cho các dây thần kinh bị chèn ép. Mục đích chính của việc phẫu thuật là hạn chế xâm lấn tối đa nên ít có nguy cơ tái phát. Do đó, bệnh nhân cũng ít khi cần phải xạ trị hay hóa trị.
- Nếu bệnh nhân có khối u xuất hiện ở màng cứng ngoài: Do khối u chỉ dính 1 phần nhỏ vào các dây thần kinh hay màng tủy nên việc phẫu thuật thường khá đơn giản. Tuy nhiên, trong trường hợp khối u xuất hiện ở ngoài màng cứng, chúng cũng có thể phát triển theo nhiều hướng khác nhau, gây hủy xương và dễ bị chảy máu nhiều khiến việc phẫu thuật phức tạp hơn.
- Với trường hợp khối u tủy sống xuất hiện do di căn từ cơ quan ung thư khác: Tình trạng này khá phức tạp với khả năng hồi phục kém và tuổi thọ của người bệnh cũng khó kéo dài. Vì thế, các bác sĩ sẽ cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi quyết định phẫu thuật.
Tóm lại, u tủy sống là căn bệnh vô cùng nguy hiểm và những triệu chứng của bệnh lại phát triển âm thầm trong giai đoạn đầu, dễ gây nhầm lẫn với những căn bệnh xương khớp thường gặp khác. Do đó, nếu cơ thể xuất hiện một số biểu hiện nghi ngờ bệnh u tủy sống như đau vùng thắt lưng, tê bì chân tay hay yếu cơ,… người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán cũng như chữa trị bệnh kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.