Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
U nhầy xoang trán là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
U nhầy xoang là bệnh lý khá hiếm gặp. Nguyên nhân gây u nhầy xoang trán là do tắc đường thông nối giữa xoang với mũi. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những điều cần biết về u nhầy xoang trán qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
U nhầy là một loại u lành tính ở vùng mũi xoang, chủ yếu gặp ở người lớn. Loại u này có thể phát triển ở một hoặc nhiều xoang và thường gặp nhất là u nhầy xoang trán. Tuy nhiên, do bản chất khối u gây xói mòn, tiêu xương thành xoang dẫn đến biến dạng mặt, ổ mắt nên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Triệu chứng
Giai đoạn đầu, u nhầy xoang trán có thể hoàn toàn yên lặng hoặc có những biểu hiện của bệnh lý viêm mũi xoang như ngạt mũi, chảy mũi nước hoặc có triệu chứng nặng đầu, đau nhẹ ở vùng trán nhưng ít được chú ý.
Tuy nhiên, khi u nhầy phát triển xâm lấn và tiêu huỷ thành xương các triệu chứng biểu hiện rõ hơn với các dấu hiệu chủ yếu ở mắt, dấu hiệu của mũi xoang chỉ đứng thứ 2.
- Bệnh nhân bắt đầu sụp mi, chảy nước mắt, giảm thị lực kèm theo nhìn đôi, vận nhãn hạn chế, nặng nề hơn có tình trạng lồi mắt với nhãn cầu bị đẩy ra ngoài, xuống dưới và khoảng cách 2 mắt rộng ra hay u nhầy xâm lấn xuất ngoại ra da vùng trán.
- Bên cạnh có bệnh nhân còn có các dấu hiệu về mũi xoang như ngạt mũi, chảy dịch mũi, giảm hay mất khứu.
Ở giai đoạn tiến triển gây biến chứng có thể xuất hiện các dấu hiệu thần kinh thứ phát đa dạng như đau đầu dữ dội, mất tri giác thoáng qua hay rối loạn hành vi.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của u nhầy xoang trán rất đa dạng, tuy nhiên có hai yếu tố chính phối hợp gây nên sự phát triển của u nhầy xoang trán là sự tắc nghẽn lỗ thông xoang và sự viêm nhiễm.
Trong đó, nguyên nhân đóng vai trò quyết định đến từ sự tắc nghẽn lỗ thông xoang. Sự tắc nghẽn này là do bẩm sinh hoặc mắc phải (viêm mũi dị ứng, sau chấn thương, sau phẫu thuật mũi xoang, sau viêm hay nhiễm trùng…)
Đối tượng nguy cơ
Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, thường gặp ở độ tuổi 40-60 tuổi, ít khi xuất hiện trước tuổi trưởng thành. Tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là như nhau.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ chẩn đoán u nhầy xoang trán dựa trên:
- Chẩn đoán xác định
- Lâm sàng: giai đoạn sớm thường không có triệu chứng . Khi nhầy lớn chèn ép xung quanh, có thể có các triệu chứng sau: Lồi mắt thường gặp nhất, song thị, sưng phồng góc trên trong hốc mắt , không đau ấn mềm. Mờ mắt thường do u nhầy xoang sàng sau hay xoang bướm. Có thể kèm theo các triệu chứng của viêm xoang như: nghẹt mũi, chảy mũi, nhức đầu.
- Cận lâm sàng:
- CT Scanner giúp chẩn đoán vị trí, kích thước, xâm lấn cấu trúc xung quanh cũng như xương bị ăn mòn, hủy xương.
- MRI: Để xác định mối liên quan giữa u nhầy với cấu trúc mô biệt với thần kinh thị hoặc phân biệt với u tân sinh mô mềm khác.
- Giải phẫu bệnh: Biểu mô hô hấp với vách nang là biểu mô trụ lông chuyển giả tầng 1 lớp.
- Chẩn đoán phân biệt: phân biệt với khối u khác trong hốc mũi.
Phòng ngừa bệnh
Không có cách nào giúp phòng ngừa u nhầy xoang trán, tuy nhiên những người từng phẫu thuật mũi xoang cần thăm khám tai mũi họng hàng năm để tránh biến chứng u nhầy xoang trán.
Điều trị như thế nào?
Các phương pháp điều điều trị u nhầy xoang trán:
- Phẫu thuật: Việc điều trị chủ yếu là phẫu thuật với mục tiêu là loại bỏ chất nhầy và thông khí cho xoang có liên quan. Bên cạnh đó, điều trị cũng cần lấy bỏ nang nhầy với tỷ lệ xâm lấn tối thiểu và ngăn ngừa tái phát. Phương pháp phẫu thuật dựa trên kích thước, vị trí và mức độ của u nhầy.
- Phẫu thuật nội soi: Trước đây, phẫu thuật cho các u nhầy vùng sàng – trán liên quan đến phương pháp tiếp cận đường ngoài. Nhưng ngày nay, dẫn lưu qua nội soi là lựa chọn điều trị chính cho các u nhầy xoang. Phẫu thuật nội soi giúp bảo tồn niêm mạc xoang trán và duy trì một hốc trán tự nhiên, mang lại kết quả lâm sàng tốt hơn. Phương pháp này ít xâm lấn, bảo tồn cấu trúc xoang, không để lại sẹo trên khuôn mặt.
- Đặt stent: Phương pháp này là một lựa chọn an toàn và hiệu quả để duy trì sự thông thoáng của hệ thống dẫn lưu chất nhầy của xoang trán. Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương pháp này là có thể khởi phát tổn thương quanh stent, có khả năng gây ra sẹo co rút dẫn đến tái hẹp lỗ thông.
- Mổ mở: Các trường hợp u nhầy phức tạp có kích thước rất lớn xâm lấn nội sọ, các bác sĩ phẫu thuật thần kinh có xu hướng sử dụng phương pháp mổ đường ngoài. Phương pháp mổ mở giúp loại bỏ toàn bộ niêm mạc u nang và ngăn ngừa khối u tái phát.
- Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp nhiễm trùng, điều trị kháng sinh bổ trợ sẽ được chỉ định, vì nhiều khi có liên quan nội sọ hoặc ổ mắt. Theo bác sĩ Thuý Hằng, trong trường hợp nhiễm trùng, phẫu thuật không nên được thực hiện ngoại trừ u nhầy mủ có triệu chứng cấp tính.
U nhầy xoang trán có thể có các biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào mức độ và độ phức tạp của tổn thương. Do đó, các phương pháp phẫu thuật thông thường có thể không giải quyết được tất cả các trường hợp.
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về u nhầy xoang trán.