Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
U nang giáp móng là gì? Những điều cần biết về u nang giáp móng
U nang giáp móng hay còn gọi là u nang ống giáp lưỡi, là dị tật bẩm sinh phổ biến nhất ở vùng đầu cổ. U có thể hình thành ở bất cứ đâu dọc theo tuyến đường di chuyển của tuyến giáp giữa vùng lưỡi và cổ. Tình trạng này phát triển từ khi còn trong bụng mẹ và thường được chẩn đoán ngay sau khi sinh hoặc khi còn ở thời kỳ thơ ấu. Bài viết sau sẽ thông tin những điều cần biết về u nang giáp móng.
Tổng quan chung u nang giáp móng
U nang giáp móng (còn được gọi là nang ống giáp lưỡi – Thyroglossal Duct Cysts) là một dị tật hình thành do sự bất thường trong quá trình hình thành tuyết giáp, trong giai đoạn phôi thai. Thay vì bị tiêu đi, một phần của ống giáp lưỡi lại phát triển thành một khối u ở chính giữa cổ.
Tỷ lệ mắc phải u nang giáp móng lên đến 7% dân số toàn thế giới, được phát hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng đa số là trẻ từ 10 tuổi trở xuống. Thống kê các trường hợp mắc phải dị tật này, có đến 60% nang giáp lưỡi nằm ở giữa xương móng và sụn giáp, 24% xuất hiện trên xương móng, 13% nằm trên xương ức và 2% nằm ở đáy lưỡi.
Bệnh u nang giáp móng có diễn tiến chậm, ít triệu chứng, thường chỉ phát hiện một u nang nhỏ ở chính giữa cổ. Nang có thể di động theo nhịp nuốt, có hình gần giống với hình tròn hoạch bầu dục, không gây đau, kích thước dao động 1 – 4cm, có ranh giới rõ ràng, bề mặt nhẵn, căng và đàn hồi. Vì vậy, bệnh thường được phát hiện khi bệnh nhi được 7 – 8 tuổi.
Triệu chứng u nang giáp móng
U nang giáp móng có thể được phát hiện khi quan sát ở vùng cổ họng hoặc khi trẻ lè lưỡi. Một khối u trên cổ họng có thể di chuyển lên và xuống nhịp nhàng khi trẻ nuốt. Khi sờ vào u nang có thể có cảm giác mềm, mịn, tròn.
U nang cũng có thể sưng to, gây đau khi trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, ảnh hưởng đến u nang. Nếu kích thước u nang lớn, trẻ có thể cảm thấy khó nuốt thức ăn, dễ bị nghẹn, khàn giọng,…
Nhìn chung, sự hiện diện của một khối trước cổ và nhiễm trùng là hai biểu hiện chính của u nang giáp móng ban đầu. Trong đó nhiễm trùng phổ biến hơn ở trẻ em. Người lớn có thể có các biểu hiện khác hơn là khối u và nhiễm trùng, như:
Nguyên nhân u nang giáp móng
Tuyến giáp là cơ quan sản xuất các hormone kiểm soát quá trình trao đổi chất của cơ thể. Trong quá trình phát và phát triển tuyến giáp, các tế bào tuyến giáp sẽ di chuyển từ mặt sau lưỡi xuống cổ, qua xương móng – một loại xương có hình chữ U, nằm ở gốc lưỡi, trước xương cổ, có vai trò hỗ trợ, giữ lưỡi. Hành trình di chuyển này thường bắt đầu từ tuần thứ 3 của thai kỳ.
Sự di chuyển này tạo thành một cái kênh nhỏ, gọi là ống giáp lưỡi. Thông thường, ống giáp lưỡi sẽ tự đóng lại và biến mất khi quá trình di chuyển hoàn tất, tuyết giáp ổn định. Nếu ống giáp lưỡi không đóng lại, chúng sẽ dần tích tụ chất lỏng, chất nhầy, trở thành u nang giáp lưỡi. Sự thoái hóa này thường diễn ra vào tuần thứ 10 của thai kỳ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào lý giải được lý do có những ống giáp lưỡi có thể tự đóng, tự biến mất nhưng một số khác lại không.
Đối tượng nguy cơ u nang giáp móng
U nang giáp móng thường được biết là một tình trạng phổ biến ở trẻ em. Mặc dù hầu hết người bệnh mắc u nang giáp móng là trẻ em hay thanh thiếu niên, nhưng có đến ⅓ là từ 20 tuổi trở lên. U nang giáp móng có tỷ lệ mắc ngang nhau giữa nam và nữ. Sự xuất hiện mang tính chất gia đình là cực kỳ hiếm, tổng cộng chỉ có 21 trường hợp di truyền trong 7 gia đình được báo cáo.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u nang giáp móng
Đây là một dị tật bẩm sinh, phát triển do còn sót lại của ống giáp lưỡi. Các tác nhân gây ảnh hưởng đến quá trình này vẫn chưa được biết đến.
Một giả thuyết cho rằng, mô bạch huyết có liên quan đến sự phì đại của ống giáp lưỡi tại thời điểm bị nhiễm trùng, do đó dẫn đến tắc nghẽn và hình thành u nang. Ngoài ra, xạ trị được sử dụng để điều trị ung thư đầu cổ có thể là tăng kích thước của các tàn dư ống giáp lưỡi một cách cấp tính.
Chẩn đoán u nang giáp móng
U nang giáp móng thường được bác sĩ chẩn đoán bằng cách hỏi bệnh, thăm khám kỹ vùng đầu cổ và khám toàn thân, sau đó đề nghị các xét nghiệm cần thiết cho chẩn đoán, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Có thể được thực hiện để kiểm tra chức năng tuyến giáp và tình trạng nhiễm trùng.
- Siêu âm: Đây là lựa chọn hình ảnh học lý tưởng ban đầu. Siêu âm sẵn có, rẻ tiền và không xâm lấn, đặc biệt dễ thực hiện ở trẻ em. Siêu âm có thể giúp kiểm tra u nang và tuyến giáp.
- CT scan hoặc MRI: CT scan hoặc MRI vùng cổ có thể được sử dụng để đánh giá u nang giáp móng và sự hiện diện của mô giáp bình thường, nhưng đôi khi chỉ siêu âm là đã đủ chẩn đoán.
- Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA): Có thể được thực hiện ở tất cả người lớn nghi ngờ mắc u nang giáp móng, hoặc ở trẻ em có hình ảnh học gợi ý cũng sẽ được thực hiện. Chọc hút kim bằng kim nhỏ giúp chẩn đoán u nang giáp móng hoặc loại trừ các chẩn đoán khác. Đây cũng là một phương pháp đáng tin cậy để chẩn đoán trước phẫu thuật ung thư giáp móng.
Phòng ngừa u nang giáp móng
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của U nang giáp móng
Để hạn chế diễn tiến của u nang giáp móng, điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm là tuân thủ với việc điều trị. Nếu sau điều trị phẫu thuật, bạn có thể cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của bạn.
Chế độ sinh hoạt:
- Nghỉ ngơi tại nhà trong 24 đến 72 giờ đầu, hạn chế hoạt động thể chất trong thời gian này.
- Kê cao đầu bằng 1 đến 2 gối.
- Không thực hiện bất kỳ hoạt động nào vất vả hoặc có thể gây tổn thương cơ thể. Hạn chế hoạt động sẽ giảm thiểu tình trạng chảy máu có thể xảy ra.
- Chăm sóc vết mổ tại cơ sở y tế, hoặc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn thức ăn mềm và uống nhiều nước hơn bình thường trong 72 giờ đầu.
- Ăn các bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn và nhiều chất đạm. Việc ăn chất đạm sẽ giúp cơ thể bạn phục hồi.
- Hãy uống nước theo hướng dẫn của bác sĩ (nếu bạn có các bệnh lý tim mạch hay bệnh thận).
U nang giáp móng là một dị tật bẩm sinh, hình thành từ khi còn trong phôi thai, đồng thời không rõ các yếu tố nguy cơ của u nang giáp móng. Do đó, hiện không có biện pháp để ngăn ngừa tình trạng này.
Điều trị u nang giáp móng như thế nào?
Việc điều trị sẽ phụ thuộc và các triệu chứng, tuổi tác và tình trạng sức khỏe chung và mức độ nghiêm trọng của người bệnh, bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ;
- Thuốc kháng sinh (nếu có nhiễm trùng);
- Cắt và dẫn lưu (nếu thuốc kháng sinh không giải quyết được nhiễm trùng);
- Liệu pháp xơ hóa (tiêm ethanol qua da) nếu trẻ không thể phẫu thuật.
Phương pháp điều trị u nang giáp móng sẽ là phẫu thuật cắt bỏ để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát. Việc cắt bỏ đơn giản các u nang giáp móng có liên quan đến tỷ lệ tái phát cao (45% đến 55%). Phẫu thuật Sistrunk được coi là tiêu chuẩn trong quản lý phẫu thuật và làm giảm đáng kể tỷ lệ tái phát. Phẫu thuật này đòi hỏi phải cắt bỏ rộng hơn chứ không chỉ cắt bỏ đơn thuần các u nang, bao gồm việc cắt ⅓ trung tâm xương móng và mô đáy lưỡi.
Trong trường hợp nhiễm trùng cấp tính, phẫu thuật Sistrunk không nên được thực hiện. Cần phải giải quyết tình trạng nhiễm trùng trước khi tiến hành phẫu thuật.
Trong trường hợp u nang giáp móng lá ung thư, ngoài việc cắt bỏ khối u, bóc tách hạch cũng sẽ được thực hiện.
Tiêm ethanol qua da là một phương pháp điều trị thay thế ở người bệnh có u nang giáp móng không thể phẫu thuật (không có sự hiện diện của bệnh ác tính). Tuy nhiên, liệu pháp xơ hóa có tỷ lệ thành công trong điều trị thấp hơn so với phẫu thuật.