Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
U bì buồng trứng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa
U bì buồng trứng, hay còn gọi u quái buồng trứng hoặc u nang bì buồng trứng, là một khối u phát triển bên trong buồng trứng từ các tế bào mầm biệt hóa. Đa phần những trường hợp bị u quái buồng trứng thường lành tính, tuy nhiên, nếu bệnh có dấu hiệu biến chứng nguy hiểm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là chức năng sinh sản.
Tổng quan chung
Buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng của nữ, vừa có chức năng nội tiết, vừa có chức năng ngoại tiết. Cơ quan này gồm buồng trứng bên trái và buồng trứng bên phải, nằm ở hai bên tử cung, phía sau vòi tử cung và trên thành chậu hông bé, dính vào lá sau dây chằng rộng, cách dưới eo chậu trên khoảng 10mm.
U bì buồng trứng, hay còn gọi u quái buồng trứng hoặc u nang bì buồng trứng, là một khối u phát triển bên trong buồng trứng từ các tế bào mầm biệt hóa. Các khối u này có cấu trúc chứa mô tuyến bã, da, tóc, xương…
Có nhiều loại khối u bì buồng trứng khác nhau. Những khối u này có thể không phải ung thư (lành tính) hoặc ung thư (ác tính).
Giai đoạn ung thư cho bạn biết nó đã phát triển bao xa. Đối với u bì ác tính, các bác sĩ sử dụng cùng một hệ thống phân giai đoạn mà họ sử dụng cho các loại ung thư buồng trứng khác. Có 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 có nghĩa là ung thư chỉ ở trong buồng trứng (hoặc cả hai buồng trứng)
- Giai đoạn 2 có nghĩa là ung thư đã lan vào ống dẫn trứng, tử cung hoặc những nơi khác trong khu vực được bao quanh bởi xương hông (xương chậu)
- Giai đoạn 3 có nghĩa là ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc các mô lót bụng (được gọi là phúc mạc)
- Giai đoạn 4 có nghĩa là ung thư đã di căn đến một cơ quan khác ở xa, ví dụ như phổi hoặc gan.
Triệu chứng u bì buồng trứng
Thực tế, u bì buồng trứng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nên người bệnh sẽ không thể phát hiện bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ có thể phát hiện bệnh khi bạn khám phụ khoa định kỳ.
Đôi khi, các u nang bì buồng trứng lớn có thể gây xoắn buồng trứng, dẫn đến đau bụng hoặc đau vùng chậu. Ngoài ra, bạn cũng có các triệu chứng sau:
- Các cơn đau bụng âm ỉ, liên tục, không hết
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
- Đầy bụng, đau bụng và khó chịu trong tử cung
- Đau tức và chướng bụng ở vùng dưới rốn
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Đau từng cơn hoặc liên tục ở vùng xương chậu, có thể lan tỏa ra đùi và thắt lưng
- Khó chịu và đau ở vùng bụng dưới, xương chậu khi quan hệ tình dục
- Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn do khối u chèn ép trực tràng.
Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân khiến các chị em bị u nang bì buồng trứng, chẳng hạn như:
- Nang trứng phát triển không đầy đủ, dẫn đến hạn chế hấp thụ chất lỏng có trong buồng trứng.
- Mạch máu nang trứng bị vỡ gây ra xuất huyết u nang.
- Hiện tượng thừa hormon HCG và các vấn đề liên quan đến nội tiết.
- Sự phát triển nhanh chóng của u nang do hormone LH kích thích buồng trứng.
- Lạc nội mạc tử cung: Có tế bào nội mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung, một số mô gắn vào buồng trứng và phát triển thành u nang bì.
- Nhiễm trùng vùng chậu nghiêm trọng: Điều này khiến vi khuẩn xâm nhập vào buồng trứng và có thể gây ra khối u.
Đối tượng nguy cơ
- Phụ nữ trong độ tuổi 20 – 30 là đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này nhất.
- Người có tiền sử mắc u nang bì buồng trứng trước đó.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm một số xét nghiệm hình ảnh sau:
- Chụp X-quang: Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát và đánh giá được các thành phần canxi trong vùng chậu.
- Siêu âm, chụp MRI CT vùng chậu.
- Xét nghiệm máu – khối u tế bào mầm thường sản xuất hóa chất hoặc kích thích tố (dấu hiệu khối u) mà bác sĩ có thể đo được trong máu.
Phòng ngừa bệnh u bì buồng trứng
Thực tế không có phương pháp nào giúp phòng bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, do bệnh diễn biến âm thầm và không gây ra triệu chứng, nên phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ để có thể phát hiện sớm bệnh. Điều này sẽ giúp ngăn chặn các u lành tính thành ung thư.
Điều trị u bì buồng trứng như thế nào?
Dựa theo tính chất và sự phát triển của u nang bì buồng trứng mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Phương pháp điều trị chính hiện nay vẫn là phẫu thuật. Trường hợp là u bì ác buồng trứng ác tính (ung thư), bạn có thể cần hóa trị.
Trong đó, 2 phương pháp phẫu thuật được sử dụng phổ biến là:
- Phẫu thuật nội soi: Nếu u nang bì được phát hiện sớm, có kích thước nhỏ và lành tính, bác sĩ sẽ thực hiện loại bỏ khối u bằng mổ nội soi. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như: ít gây đau đớn, thời gian thực hiện ngắn…
- Phẫu thuật mổ ổ bụng: Với các trường hợp như u có kích thước lớn, chưa xác định được tính chất khối u… thì không thể phẫu thuật nội soi. Lúc này, bác sĩ sẽ tạo một vết mổ trên bụng và lấy khối u ra ngoài. Tuy nhiên, nếu khối u ác tính, bác sĩ sẽ để nghị cắt bỏ tử cung và buồng trứng của người bệnh để đảm bảo an toàn.
Đối với các trường hợp bị u bì buồng trứng không đủ điều kiện sức khỏe hoặc đang trong thời gian chờ mổ, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc tránh thai hoặc thuốc điều trị nhằm ngăn sự rụng trứng và kiểm soát sự phát triển của khối u.
U bì buồng trứng là một bệnh khó phát hiện dấu hiệu khi mới mắc bệnh, tuy nhiên, bệnh có các phương pháp có thể điều trị. Nếu cảm thấy có bất thường, bạn nên đến thăm khám với bác sĩ để được kiểm tra và có chẩn đoán cụ thể.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.