Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Trật khớp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa
Trật khớp là một chấn thương cấp cứu, cần được sơ cứu và chữa trị đúng cách. Sơ cứu tại hiện trường rất quan trọng, đặc biệt là cần bất động khớp, tránh tự ý nắn chỉnh xương và khớp.
Tổng quan chung
Trật khớp là hiện tượng các đầu xương bị trượt khỏi vị trí ở một khớp nào đó trên cơ thể. Vì đầu xương không còn nằm trong ổ khớp nên cấu trúc khớp bị phá vỡ, gây biến dạng và vô hiệu hóa chức năng của khớp. Hầu hết các trường hợp bị trật khớp đều có thể trở về trạng thái ban đầu nếu chữa trị đúng cách và kịp thời. Tuy nhiên, với những khớp đã từng bị chấn thương (nhất là khớp vai) sẽ dễ bị trật khớp trở lại.
Nguy cơ trật khớp xảy ra ở hầu hết các khớp trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất là khớp vai và khớp ngón tay. Tiếp đến là nhóm khớp có rủi ro cao gồm khớp gối, khớp khuỷu tay và khớp hông. Nếu nghi ngờ bị trật khớp, bạn nên đến khoa cơ xương khớp của các bệnh viện uy tín để được bác sĩ chỉnh nắn xương, đưa khớp trở về đúng vị trí càng sớm càng tốt. Chần chừ điều trị trật khớp có thể gây tổn thương dây chằng, dây thần kinh hoặc mạch máu thuộc khớp bị trật dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Triệu chứng
Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết bệnh trật khớp:
- Đau do tổn thương rách bao khớp
- Giảm hoặc mất hoàn toàn cơ năng vận động khớp
- Hõm khớp bị rỗng: Đây là dấu hiệu đặc biệt của sai khớp tuy nhiên không phải khớp nào cũng có, mà chỉ gặp ở khớp vai, khớp hàm và một phần khớp khuỷu. Nếu người bệnh đi khám muộn thì sẽ khó có thể phát hiện do sưng nề nhiều.
- Biến dạng toàn chi: Nếu sai khớp vai thì tư thế cánh tay sẽ bị biến dạng hoặc không khép sát vào thân được. Nếu sai khớp háng thì tư thế chi ngắn, gối có hiện tượng xoay vào trong, bàn chân bên sai gác lên cổ chân bên lành.
- Dấu hiệu gồ bất thường do chỏm xương trật ra khỏi hõm khớp.
- Cử động đàn hồi hay còn gọi là dấu hiệu lò xo, chỉ xuất hiện trong sai khớp, do đầu xương trật ra chỗ khác đồng thời bị bó chặt trong khối cân cơ và dây chằng. Cho dù cố ý kéo hay đẩy khớp về vị trí bình thường thì khớp vẫn sẽ bật trở lại tư thế sai.
- Ngoài ra trật khớp có một số biến dạng đặc biệt:
- Dấu hiệu gù vai (vai vuông góc) thấy ở sai khớp vai.
- Dấu hiệu “nhát rìu” thường thấy trong sai khớp khuỷu ra sau (do mỏm khuỷu trồi ra sau làm với cánh tay một bậc lõm vào, trông giống như gốc cây bị rìu chặt dang dở).
- Dấu hiệu “phím đàn dương cầm” xuất hiện trong sai khớp vùng vai-đòn (do co kéo cơ ức đòn chũm nên đầu ngoài xương đòn được kéo lên, lộ rõ ra ngoài, ấn xuống lại bật lên như ấn vào phím đàn dương cầm).
Nguyên nhân
- Khoảng 80 – 90% các trường hợp trật khớp đến từ nguyên nhân chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn trong tập luyện các môn thể thao như bóng chuyền, bóng đã, trượt ván… và cả các tai nạn trong học đường.
- Cơ chế chấn thương trật khớp thường là gián tiếp như lực chấn thương tác động lên cẳng chân, gối, đùi tạo nên lực đòn bẩy làm trật chỏm xương đùi ra khỏi ổ cối hoặc ngã chống tay có thể khiến bị trật khớp khuỷu hay khớp vai… Cơ chế trực tiếp tuy hiếm gặp nhưng thường dẫn tới bệnh cảnh nặng như trật khớp hở.
Bên cạnh đó còn có các nhóm nguyên nhân gây trật khớp khác như:
- Do bẩm sinh
- Do bệnh lý (như viêm xương khớp háng…)
- Do liệt cơ delta.
Đối tượng nguy cơ
Trật khớp gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp nhất ở người trẻ, người lao động và cũng có thể gặp cả ở phụ nữ có thai.
Mỗi lứa tuổi thường gặp một loại trật khớp phổ biến như trật khớp khuỷu hay gặp ở trẻ em trong khi trật khớp vai, khớp háng lại thường gặp ở người lớn. Ở người già, do quá trình thoái hóa, hạn chế vận động, hoặc không có khả năng phản xạ tự bảo vệ khi ngã nên cũng rất dễ bị trật khớp và thường kèm theo gãy xương.
Chẩn đoán
Quá trình chẩn đoán trật khớp không phức tạp và mất nhiều thời gian như một số bệnh xương khớp mạn tính khác. Sau khi kiểm tra cử động khớp, hình dạng khớp và sự thay đổi màu sắc da xung quanh khớp bị chấn thương, bác sĩ sẽ tiến hành chụp phim X-quang.
Hình ảnh X-quang cho thấy rõ tình trạng các đầu xương và ổ khớp giúp bác sĩ kết luận chính xác bạn có bị trật khớp hay không? Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện thêm xét nghiệm cộng hưởng từ MRI để đánh giá cụ thể mức độ tổn thương của các cấu trúc mô mềm xung quanh khớp bị trật gồm dây chằng, mạch máu, gân và dây thần kinh, từ đó xác nhận chi tiết những gì đang xảy ra ở khớp.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa trật khớp, chúng ta nên:
- Dùng những kĩ thuật phù hợp khi chơi thể thao hoặc tập thể dục, duy trì sức cơ và sự linh hoạt của khớp.
- Mang găng tay bảo vệ khi làm việc, tháo bỏ trang sức khi tham gia hoạt động thể thao để phòng ngừa trật khớp ngón tay.
- Nếu có tình trạng lỏng dây chằng dai dẳng hoặc bẩm sinh, khớp có thể được bảo vệ bởi băng cuộn co giãn, miếng dán bảo vệ, túi đeo bảo vệ vai hoặc gối, hoặc tất chuyên dụng khi thao gia thể thao.
- Những bệnh nhân lớn tuổi nên được khuyên tránh những tình huống dễ ngã, như đi lại trong đêm tối, trong thời tiết lạnh hoặc trên sàn trơn trượt.
Điều trị như thế nào?
Khi bị trật khớp bệnh nhân cần được sơ cứu nhanh trước khi đưa đến cơ sở y tế. Tình trạng này có thể xảy ra tại các khớp lớn như vai, đầu gối, khuỷu tay hay mắt cá chân hoặc ở các khớp nhỏ hơn như ngón tay, ngón tay cái hoặc ngón chân.
Cách sơ cứu như sau:
- Không di chuyển để tránh lực tác động, không nắn hoặc cố cử động khớp bị trật, hoặc bắt nó trở lại vị trí, vì điều này có thể gây tổn thương khớp và cơ, dây chằng, dây thần kinh hoặc các mạch máu ở xung quanh.
- Cố định khớp: Cố định khớp ở tư thế mà khớp đang ở vị trí đó. Nếu bạn trật khớp vùng tay, khuỷu tay có thể cố định bằng cách cột tay vào thân người, dùng thân người làm vật cố định nâng đỡ cho tay.
- Nếu trật khớp ở chân thì bạn có thể cột hai chân lại với nhau, dùng chân lành làm nẹp cố định cho chân bị trật khớp.
- Chườm lạnh lên vùng khớp bị thương nhằm tránh và giảm sưng phù. Có thể dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên da hoặc bạn có thể cho đá vào miếng vải để chườm. Không nên chườm nóng, đắp muối, bóp thuốc rượu hay mật gấu vì có thể làm tình trạng xấu đi.
- Nhanh chóng đến cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra và điều trị.
Bác sĩ sẽ áp dụng một số phương pháp điều trị tình trạng trật/sai khớp
- Điều trị cấp cứu ban đầu: Trước tiên bệnh nhân trật khớp cần được xử lý, kiểm soát các tình trạng cấp cứu ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân như tình trạng sốc do đau, sốc mất máu do trật khớp hở kèm tổn thương mạch. Giảm đau ngay cho bệnh nhân bằng các thuốc giảm đau.
Nếu nghi ngờ trật khớp hở thì cần băng kín bằng gạc vô trùng, tiêm uốn ván và dùng kháng sinh phổ rộng (ví dụ cephalosporin thế hệ 2 phối hợp aminoglycosid) và sau đó là phẫu thuật để cắt lọc và làm sạch để tránh nhiễm trùng.
Hầu hết các trường hợp trật khớp mức độ vừa và nặng (đặc biệt khớp mất vững) cần bất động khớp bằng nẹp (nẹp bất động mềm để không gây chèn ép mạch và không làm cứng khớp) để giảm đau và tránh các tổn thương thứ phát như tổn thương mạch máu, thần kinh, mô mềm xung quanh do khớp mất vững.
- Nắn chỉnh: Nắn kín (không cần rạch da bộc lộ khớp) thường được ưu tiên khi có thể. Trong trường hợp nắn kín thất bại thì cần phẫu thuật đặt lại khớp. Sau nắn trật thành công, bệnh nhân được khuyên nên:
- Bất động khớp bằng nẹp bất động, bó bột hoặc dùng nạng ngăn ngừa tổn thương thứ phát.
- Chườm đá lạnh và băng ép giúp giảm phù nề và giảm đau. Đá chườm cần được bọc bằng khăn hoặc túi nhựa và chườm càng sớm càng tốt (trong vòng 15-20 phút đầu) và chườm liên tục từ 24 – 48h sau nắn, có thể băng ép, nẹp cố định vị trí chấn thương.
- Kê cao chi bị chấn thương trên mức tim trong 2 ngày đầu để máu về tim không gián đoạn giúp dẫn lưu máu tĩnh mạch tốt theo chiều trọng lực để hạn chế phù nề.
- Sau 48 giờ, có thể dùng biện pháp chườm ấm (ví dụ, dùng tấm đệm sưởi ấm) trong 15 đến 20 phút để làm giảm đau và hỗ trợ hồi phục tổn thương nhanh hơn.
- Cố định: Cố định khớp có tác dụng giảm đau và kích thích phục hồi nhanh, ngăn ngừa tổn thương thứ phát. Nên bất động trên và dưới khớp bị tổn thương. Các phương pháp bất động thường sử dụng là:
- Bó bột: thường được sử dụng khi trật khớp kèm với gãy xương đơn giản hoặc các thương tích khác cần cố định trên một tuần. Nếu bác sĩ nghi ngờ bị phù nề chi sau khi bó bột thì cần rạch dọc bột và lớp đệm toàn bộ chiều dài phía trong và phía ngoài. Bệnh nhân được hướng dẫn khám lại khi đau nhiều, cảm thấy bột quá chặt, tê bì yếu chi sau bó bột..
- Dùng nẹp: được sử dụng để bất động trật khớp vững sau khi nắn trật. Ngoài ra, nẹp bất động giúp giảm phù nề do đó ít khi dẫn tới hội chứng khoang sau nẹp. Một số loại trật khớp ở ngọn chi cần phải dùng nẹp cố định cho đến khi hết sưng nề.
- Cố định bằng đai đeo phù hợp để hỗ trợ khớp trật và giới hạn vận động. Điều này rất hiệu quả trong trật khớp vai vì nếu bất động quá vững sẽ dẫn tới viêm dính khớp vai, vai đông cứng.
Bất động kéo dài (> 3-4 tuần ở người trẻ tuổi) có thể gây cứng khớp, co kéo phần mềm, teo cơ. Những biến chứng này có thể tiến triển nhanh và tồn tại vĩnh viễn, đặc biệt là ở người già. Vận động thụ động chi tổn thương trong vài ngày/tuần sau chấn thương sẽ giảm co rút phần mềm, teo cơ và tăng phục hồi chức năng chi. Vì vậy, bệnh nhân được khuyên tập các bài tự tập trong quá trình cố định giúp cải thiện tầm vận động khớp, sức cơ, tăng cường độ vững của khớp tổn thương (ví dụ như vận động khuỷu, cổ tay và bàn tay nếu vai đang bất động) nhằm duy trì càng nhiều chức năng càng tốt, từ đó, ngăn ngừa trật khớp tái phát và giảm chức năng khớp về sau.
Đối với bất kì tổn thương hệ cơ xương khớp nào ở người già thì mục tiêu điều trị đều là rút ngắn thời gian bình phục để người bệnh quay về với sinh hoạt hàng ngày.