Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Tắc vòi trứng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa
Tắc vòi trứng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở phụ nữ. Ngoài ra, trứng đã thụ tinh không thể di chuyển đến buồng tử cung, gây ra chửa ngoài tử cung, có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện kịp thời.
Tổng quan chung
Vòi trứng là bộ phận sinh sản quan trọng của người phụ nữ bên cạnh buồng trứng và tử cung. Vòi trứng nối thông từ buồng tử cung đến buồng trứng, đây là con đường tinh trùng bơi lên để thụ tinh với trứng. Phần cuối vòi trứng có loa vòi trứng, được cấu tạo như những cánh tay giúp bắt lấy trứng khi có “sự rụng trứng”, trứng này sẽ được di chuyển trong lòng vòi trứng đến vị trí thích hợp và khi gặp được tinh trùng trong lòng vòi trứng, sự thụ tinh có thể xảy ra.
Hiện tượng tắc vòi trứng (hay còn gọi là tắc ống dẫn trứng) là tình trạng ống bị hẹp hoặc bít tắc. Điều này sẽ cản trở tinh trùng đến trứng và chặn cả con đường quay lại tử cung của trứng đã thụ tinh. Khoảng 30% phụ nữ bị vô sinh do nguyên nhân tắc vòi trứng. Trong đó, khoảng 10-25% trong số những phụ nữ này bị tắc ống dẫn trứng đoạn gần.
Triệu chứng tắc vòi trứng
Tắc vòi trứng hầu như khó có thể nhận biết sớm. Dưới đây là những biểu hiện điển hình khi bị tắc vòi trứng:
- Vô sinh: Tắc vòi trứng thường không gây ra biểu hiện gì. Nhiều phụ nữ chỉ biết mình bị bệnh khi đi khám vì không thể thụ thai.
- Đau bụng: một số trường hợp tắc vòi trứng có thể gây đau ở một bên bụng do ứ nước vòi trứng làm căng giãn chúng và gây đau
- Đau bụng có thể liên tục hoặc theo chu kỳ kinh nguyệt như trong lạc nội mạc tử cung
- Các triệu chứng khác: đau khi quan hệ tình dục, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa,…
Nguyên nhân tắc vòi trứng
Nguyên nhân tắc ống dẫn trứng thường do mô sẹo hoặc dính vùng chậu. Tắc vòi trứng là kết quả của các yếu tố sau:
- Bệnh viêm vùng chậu: bệnh này sẽ để lại sẹo trong ống dẫn trứng hoặc ứ dịch tai vòi.
- Lạc nội mạc tử cung: khi này mô nội mạc tử cung có thể bị tích tụ trong ống và gây tắc ống dẫn trứng. Ngoài ra, mô nội mạc tử cung ở bên ngoài các cơ quan khác cũng có thể gây dính làm tắc vòi trứng.
- Do một số bệnh lây qua đường tình dục: bệnh lậu hay nhiễm Chlamydia có thể để lại sẹo và dẫn đến bệnh viêm vùng chậu.
- Tiền sử mang thai ngoài tử cung: vấn đề này cũng có thể để lại sẹo ở vòi dẫn trứng.
- Di chứng sau phẫu thuật: những thủ thuật phẫu thuật trực tiếp hay gián tiếp với ống dẫn trứng có thể dẫn đến dính vùng chậu và làm tắc nghẽn vòi trứng.
- U xơ tử cung: u xơ xuất hiện tại tử cung sẽ làm tắc ống dẫn trứng.
- Bẩm sinh.
- Tiền sử nhiễm trùng tử cung do phá thai hoặc sảy thai.
- Tiền sử vỡ ruột thừa.
- Tiền sử phẫu thuật vùng bụng.
Đối tượng nguy cơ
Các đối tượng có nguy cơ dễ mắc tắc vòi trứng bao gồm:
- Nguy cơ lớn nhất của bệnh là có nhiều bạn tình và quan hệ tình dục không an toàn. Điều đó dẫn tới dễ lây nhiễm các tác nhân gây bệnh qua đường tình dục, gây viêm nhiễm tiểu khung trong đó có vòi trứng.
- Can thiệp thủ thuật vùng tiểu khung: nạo phá thai không an toàn, ở cơ sở không đảm bảo về chất lượng
- Vệ sinh cơ quan sinh dục kém
- Tiền sử phẫu thuật ổ bụng
Chẩn đoán
Dưới đây là những kỹ thuật thường được sử dụng trong quá trình khám chẩn đoán bệnh:
- Chụp buồng tử cung – vòi trứng: chất cản quang sẽ được bơm vào buồng tử cung và vòi trứng. Sau đó bệnh nhân sẽ được chụp X-quang. Phim chụp sẽ cho thấy sự tắc nghẽn ở vòi trứng nếu có. Biện pháp này thường thực hiện ở nửa đầu chu kỳ kinh nguyệt.
- Siêu âm sản khoa: siêu âm là một biện pháp hữu hiệu để chẩn đoán. Trên siêu âm có thể nhìn thấy sự ứ nước vòi trứng- biểu hiện của tắc nghẽn
- Ngoài ra còn có thể nội soi ổ bụng.
Phòng ngừa bệnh
Phần lớn tình trạng tắc ống dẫn trứng do nhiễm trùng vùng chậu. Những bệnh nhiễm trùng này thường là các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Việc tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường xuyên, cũng như thăm khám khi có các triệu chứng đáng lo ngại là bước quan trọng trong việc ngăn ngừa tắc vòi trứng cũng như những biến chứng nguy hiểm mà tình trạng này gây ra.
Việc phát hiện sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ có phác đồ điều trị hiệu quả, giúp ngăn ngừa sự hình thành của các mô sẹo. Tuy nhiên các bệnh này thường có diễn tiến âm thầm ít khi có triệu chứng đặc hiệu vì vậy nếu phụ nữ không có thói quen khám phụ khoa thường xuyên sẽ khó phát hiện dẫn đến tình trạng nhiễm trùng càng lâu, nguy cơ các mô sẹo hình thành tạo ra các ống viêm tắc càng cao.
Khi phát hiện bệnh, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám đúng hẹn, bên cạnh đó nên thực hiện lối sống khỏe, tập luyện thể dục và thực hiện chế độ ăn lành mạnh, không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia…
Điều trị tắc vòi trứng như thế nào?
Rất nhiều trường hợp bị tắc vòi trứng đều có thắc mắc tắc vòi trứng có chữa được không? Thực tế tắc vòi trứng là bệnh có thể chữa được. Mục tiêu điều trị là tái thông vòi trứng bị tắc để làm tăng khả năng thụ thai của phụ nữ. Tùy theo vị trí tắc ở phần đầu hay phần xa của vòi trứng, mức độ hẹp tắc khu trú một đoạn hay lan rộng cả vòi trứng mà có các biện pháp khác nhau. Chủ yếu là cần điều trị can thiệp, điều trị nội khoa còn chưa đem lại hiệu quả cao.
- Phương pháp điều trị không phẫu thuật: đầu tiên dùng một ống thông bơm thuốc cản quang vào buồng tử cung-vòi trứng. Sau đó sẽ chụp X-quang để xác định vị trí tắc và dùng một ống thông khác để tái thông vị trí tắc. Phương pháp này có nguy cơ gây nhiễm trùng, chửa ngoài tử cung sau thủ thuật.
- Phương pháp phẫu thuật: có thể phẫu thuật nội soi, mở ống dẫn trứng và giải quyết nguyên nhân tắc nghẽn. Nếu vòi trứng bị tắc nghẽn do mô sẹo lớn, xơ dính nhiều, có thể khó điều trị bảo tồn. Trong trường hợp này có thể cắt bỏ phần tổn thương rồi nối lại tùy từng trường hợp cụ thể.
- Có thể dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để tăng cơ hội có thai.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.