Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Suy buồng trứng sớm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa
Chức năng buồng trứng của phụ nữ bình thường sẽ bắt đầu suy giảm khi họ khoảng 45 – 50 tuổi, tức là khi mãn kinh. Còn nếu các chức năng của buồng trứng suy giảm hoặc ngừng hoạt động trước 40 tuổi thì được gọi là suy buồng trứng sớm. Nhiều người không biết rằng suy buồng trứng sớm không chỉ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản mà còn dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Suy buồng trứng sớm qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Buồng trứng là một bộ phận thuộc cơ quan sinh dục nữ. Trong cơ thể phụ nữ có 2 buồng trứng nằm ở 2 bên phải và trái. Mỗi buồng trứng có hình dạng giống như hạt dẻ và có chức năng sản xuất trứng cũng như tạo ra các hormone quan trọng cho quá trình sinh sản và kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt.
Suy buồng trứng sớm (Primary Ovarian insufficiency – POI) là tình trạng các chức năng của buồng trứng ngừng hoạt động và sản xuất trứng trước tuổi 40. Thông thường, phụ nữ sẽ giảm khả năng sinh sản ở độ tuổi 40 trở lên, bạn sẽ thấy kinh nguyệt không đều, đây là dấu hiệu cho thấy bạn đã vào thời điểm mãn kinh. Đối với phụ nữ bị suy buồng trứng sớm, triệu chứng kinh nguyệt không đều và giảm khả năng sinh sản bắt đầu trước tuổi 40, đôi khi có vài trường hợp có thể bắt đầu sớm ở tuổi thiếu niên.
Triệu chứng
Suy buồng trứng sớm có những dấu hiệu tương tự mãn kinh như:
- Rối loạn kinh nguyệt: Kinh không đều, không chuẩn chu kì, mất kinh, lượng kinh nguyệt thất thường
- Triệu chứng bốc hỏa: Đột ngột thấy nóng bức vào ban đêm, bắt đầu từ mặt rồi lan ra phần cổ ngực đến toàn cơ thể, kèm theo đó là tim đập nhanh
- Vã mồ hôi, mất ngủ: Toàn thân toát mồ hôi, ớn lạnh, mệt mỏi, ngủ không ngon giấc, thức dậy nhiều lần trong đêm… khiến chị em cảm thấy mệt mỏi
- Rối loạn cảm xúc: Tính tình thay đổi thất thường, hay buồn bã, cáu gắt, lo lắng thái quá, thậm chí rối loạn cảm xúc
- Giảm ham muốn: “Cô bé” không thể tiết đủ chất nhờn để bôi trơn, đau rát khi quan hệ tình dục, bị viêm nhiễm và mắc các bệnh phụ khoa.
- Da và tóc mỏng: Da mỏng, nhăn, khô, sạm và tóc khô xơ, gãy rụng, yếu ớt do nội tiết có sự thay đổi bất thường
Nguyên nhân
Theo nghiên cứu ghi nhận, các trường hợp suy buồng trứng sớm có thể liên quan đến một số bệnh lý di truyền (khoảng 10 – 15%), bất thường nhiễm sắc thể (NST) và các bệnh lý tự miễn.
- Bất thường NST: Người ta ghi nhận có rất nhiều gen nằm trên NST giới tính X. Và phần lớn các gen này có chức năng điều hòa quá trình sinh sản. Những bất thường mất đoạn hay gãy đoạn gen trên cánh ngắn của NST X được ghi nhận ở phụ nữ bị vô kinh nguyên phát. Ngoài ra, bất thường NST số 13 và số 18 cũng thường dẫn đến suy buồng trứng sớm hay rối loạn chức năng buồng trứng.
- Họa trị, xạ trị hoặc làm việc trong môi trường tiếp xúc hóa chất độc hại: Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng. Tác dụng của thuốc hóa trị sẽ làm ngăn chặn sự gia tăng tế bào hạt và tế bào vỏ nuôi dưỡng trứng. Các yếu tố độc hại của môi trường ví dụ như hít khói thuốc lá có thể phá hủy các nang noãn.
- Mắc phải bệnh lý tự miễn: Các yếu tố miễn dịch cũng được cho là có liên quan đến rối loạn hoạt động chức năng của nang noãn. Kết quả của một cuộc khảo sát trên 119 người suy buồng trứng sớm có bộ NST bình thường cho thấy: suy buồng trứng sớm kèm suy giáp chiếm tỷ lệ cao nhất là 27%, sau đó là bệnh Addison, viêm giáp Hashimoto và đái tháo đường. Các bệnh lý tự miễn này sẽ tạo ra kháng thể gây hại cho các nang noãn, chống lại mô buồng trứng và làm hư hỏng các nang noãn.
- Sức khỏe tinh thần: Tâm lý cũng có ảnh hưởng nhất định đến sự điều hoà nội tiết trong cơ thể. Căng thẳng và mệt mỏi quá mức sẽ gây rối loạn hệ thần kinh thực vật, dẫn đến rối loạn điều hoà nội tiết trong cơ thể và suy giảm chức năng của buồng trứng.
- Phẫu thuật – thủ thuật: Những phẫu thuật liên quan đến buồng trứng hoặc nạo phá thai không an toàn cũng gây ảnh hưởng đến mô lành buồng trứng. Từ đó, gây ảnh hưởng đến nội tiết của buồng trứng và số lượng trứng.
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng sau đây có thể gặp phải tình trạng suy buồng trứng sớm do các nguy cơ như:
- Người bệnh đang trong giai đoạn hóa trị và xạ trị, mắc một số rối loạn di truyền và nhiễm sắc thể như hội chứng Fragile X và hội chứng Turner do nhiễm virus…
- Bệnh tự miễn (hệ miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại mô buồng trứng, gây hại cho các nang trứng)
- Tiếp xúc nhiều với các yếu tố độc hại như khói thuốc, thuốc lá, hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, diệt cỏ,…
- Người phụ nữ thực hiện giảm cân quá mức cũng có thể gặp tình trạng suy buồng trứng sớm do căng thẳng dài ngày gây ảnh hưởng đến sự điều tiết nội tiết, giảm chức năng buồng trứng sớm
- Những người phụ nữ có phẫu thuật tác động lên buồng trứng hoặc vòi trứng (vòi tử cung) gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản
- Tình trạng nạo phá thai một cách bừa khiến cho buồng trứng bị tác động, các nội tiết tố bị rối loạn.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán suy buồng trứng bác sĩ sẽ dựa vào các tiêu chí sau đây:
- Phụ nữ dưới 40 tuổi.
- Có nồng độ FSH tăng trên 30-40 IU/L, giới hạn này cũng sẽ tùy thuộc vào từng phòng xét nghiệm khác nhau.
- Phụ nữ có chu kỳ kinh bất thường, khó khăn trong mang thai, FSH ở ngày 3 chu kỳ trên 10-15 IU/L và nồng độ Estradiol huyết thanh cùng thời điểm ≥ 80pg/L.
Một số xét nghiệm suy buồng trứng được bác sĩ chỉ định trong chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Xét nghiệm nồng độ FSH: FSH là tên một hormon được giải phóng từ thùy trước tuyến yên trong não. Với phụ nữ FSH có tác dụng kích thích tế bào noãn phát triển, đây là một phần của chu kỳ kinh nguyệt. FSH cao thường xuất hiện ở những phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh, người ở độ tuổi trên 40. Trong trường hợp phụ nữ dưới 40 tuổi có nồng độ FSH cao trên 30-40 IU/L có thể được chẩn đoán suy buồng trứng sớm.
- Xét nghiệm Estradiol: Estradiol là một dạng của hormone estrogen nó được sản xuất bởi buồng trứng, vú và tuyến thượng thận. Trong chu kỳ kinh nguyệt, FSH kích thích sự phát triển của những nang noãn chưa trưởng thành, khi noãn phát triển ra tiết ra estradiol, vùng dưới đồi và tuyến yên bị tác động giải phóng ra hormone GnRH và LH thúc đẩy sự rụng trứng.
- Trường hợp phụ nữ bị suy buồng trứng sớm sẽ giảm đáp ứng hoặc không đáp ứng với kích thích của FSH, vì vậy nang noãn không phát triển và không tiết ra estradiol, và nồng độ hormone estradiol trong máu thấp hơn bình thường.
- Xét nghiệm kiểm tra nhiễm sắc thể: Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm nhiễm sắc thể để kiểm tra nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng.
Phòng ngừa bệnh
Các chuyên gia có lời khuyên dành cho chị em phụ nữ nếu kết hôn thì nên lên kế hoạch sinh con sớm trước 35 tuổi. Đồng thời, họ còn khuyến cáo phụ nữ trên 35 tuổi sau khi kết hôn nếu trì hoãn việc sinh con vì bất cứ lý do nào đó cũng nên đi khám sức khỏe sinh sản trước. Theo đó, bác sĩ hỗ trợ sinh sản sẽ tư vấn kế hoạch phù hợp.
Đối với các trường hợp có nguy cơ suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm thì bác sĩ sẽ có những biện pháp can thiệp để hỗ trợ sinh sản cho người bệnh.Ngoài ra, để hạn chế suy buồng trứng sớm, các chị em phụ nữ nên:
- Tránh lạm dụng các loại thực phẩm có tính kích thích;
- Luôn duy trì và giữ cân bằng tâm lý thoải mái trong cuộc sống lẫn công việc;
- Nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần;
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, giúp tăng cường estrogen và cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.
Nhìn chung, không ai có thể tránh khỏi quá trình lão hóa buồng trứng nhưng nếu như bạn tăng cường cảnh giác, thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ thì bạn hoàn toàn có thể cải thiện cũng như bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình.
Điều trị như thế nào?
Hiện vẫn chưa có phương pháp phục hồi chức năng hoạt động bình thường của buồng trứng trong điều trị suy buồng trứng sớm mà chỉ có thể điều trị một số triệu chứng bệnh. Sau khi các bác sĩ chẩn đoán và làm một số xét nghiệm, tùy từng trường hợp để đưa ra phương pháp điều trị hormone thay thế (HRT) hay điều trị hiếm muộn.
- Với điều trị hormone thay thế: Nhằm giảm bớt các triệu chứng giống như hội chứng mãn kinh; rối loạn vận mạch, rối loạn chức năng tình dục, các vấn đề về da, tâm trạng, thể chất mệt mỏi… và ngăn ngừa hệ quả của sự thiếu hụt estrogen như tình trạng loãng xương.
- Với điều trị hiếm muộn: Có rất nhiều phương pháp điều trị được thực hiện nhằm phục hồi chức năng của buồng trứng như dùng corticosteroid, oestradiol, clomiphene citrate,… Tuy nhiên, cũng có khoảng 5-10% số bệnh nhân mang thai mà không cần điều trị. Những người khác muốn có thai cần áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm: Lấy trứng của phụ nữ khác cho kết hợp với tinh trùng của chồng rồi đặt vào tử cung bệnh nhân.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.