Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Rối loạn nhân cách phụ thuộc là gì? Những điều cần biết về rối loạn nhân cách phụ thuộc
Rối loạn nhân cách phụ thuộc (Dependent Personality Disorder – DPD) tuy không phải là một căn bệnh phổ biến nhưng hàng năm, nó vẫn ảnh hưởng đến khoảng 2% dân số thế giới. Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Đây là một dạng rối loạn nhân cách có dấu hiệu đặc trưng là sự lo lắng và hoảng loạn khi người bệnh phải ở một mình. Người mắc bệnh sẽ có biểu hiện dựa dẫm quá mức vào người khác để thỏa mãn nhu cầu về tinh thần và thể chất.
Đôi khi, chúng ta cũng bất an và cần sự quan tâm của người khác, nhưng điểm đặc biệt của chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc là người bệnh không có khả năng ở một mình. Họ cần sự hiện diện của người khác để tồn tại. Nói cách khác, chứng rối loạn nhân cách này chỉ được xác định khi hành động phụ thuộc có thể làm suy giảm đáng kể các chức năng sống và gây cảm giác khó chịu cho người thân của người bệnh.
Các nghiên cứu đã cho thấy, căn bệnh này thường sẽ có các dấu hiệu đầu tiên ở độ tuổi dậy thì hoặc vài năm sau đó.
Triệu chứng
Để biết được một người có bị mắc chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc hay không, thì bạn cũng cần biết rõ những triệu chứng của căn bệnh này.
- Hầu hết các hoạt động, công việc quan trọng trong cuộc sống đều cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo của người khác.
- Luôn cảm thấy khó khăn và không thể đưa ra lựa chọn, quyết định cho những sự việc diễn ra hàng ngày nếu không có sự góp ý, lời khuyên từ người khác.
- Họ khó có thể biểu hiện được sự phản đối, không hài lòng đối với người khác vì sợ bị mất đi người hỗ trợ, giúp đỡ.
- Mất rất nhiều thời gian để có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác để thực hiện một công việc mà họ không hứng thú, yêu thích.
- Không tự tin vào khả năng của bản thân nên khó có thể tự bắt đầu để thực hiện bất cứ việc gì, mặc dù việc đó nằm trong khả năng của bản thân.
- Khi các mối quan hệ với người thân bị rạn nứt và kết thúc sẽ nhanh chóng tìm kiếm một sự giúp đỡ từ những người khác.
- Luôn cảm thấy lo lắng, bất an và hoảng sợ khi phải ở một mình vì họ cảm thấy không có ai chăm sóc và giúp đỡ họ.
- Dễ bị tổn thương, tủi thân vì những lời từ chối nhỏ nhặt.
- Sợ hãi và mang nỗi ám ảnh lớn về việc bị người khác bỏ rơi, luôn cảm thấy bản thân bị cô lập.
- Luôn suy nghĩ và bận tâm về việc không có ai chăm sóc và lo lắng cho bản thân.
Những người bệnh rối loạn nhân cách phụ thuộc thường luôn đưa ra yêu cầu về sự trấn an, quan tâm của người khác. Đồng thời họ cũng có thể gây nên những hành vi làm tổn thương bản thân hoặc những người bệnh cạnh khi các mối quan hệ hiện tại bị chấm dứt.
Nguyên nhân
Nhân cách là sự kết hợp giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành vi khiến mọi người trở nên độc đáo. Nhân cách tác động đến cách chúng ta nhìn nhận bản thân và niềm tin chúng ta về người khác lẫn thế giới xung quanh.
Nguyên nhân chính xác không được biết, nhưng có thể do:
- Gen di truyền có thể khiến họ dễ bị hơn.
- Các tình huống trong cuộc sống có thể kích hoạt sự phát triển của rối loạn.
- Những thay đổi trong cách thức hoạt động của não có thể dẫn đến sự phát triển của rối loạn.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ bị rối loạn nhân cách phụ thuộc như:
- Có một sự giáo dục bị ngược đãi. Sự trừng phạt, buộc tội và sống theo những phép tắc hay khuôn khổ nào đó trong gia đình.
- Trong một mối quan hệ lạm dụng lâu dài.
- Có cha mẹ bảo vệ quá mức hoặc độc đoán.
- Có tiền sử gia đình rối loạn lo âu.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán rối loạn nhân cách phụ thuộc, bệnh nhân phải có nhu cầu được đáp ứng một cách dai dẳng và quá mức, dẫn đến hành vi phục tùng, bám víu và sợ bị chia cắt.
Nhu cầu dai dẳng này được thể hiện bằng sự có mặt của ≥ 5 trong số những điều sau đây:
- Khó khăn trong việc đưa ra quyết định hàng ngày mà không có một số lượng quá mức các lời khuyên và sự bảo đảm từ người khác
- Một nhu cầu bắt người khác chịu trách nhiệm về những khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc đời họ
- Khó thể hiện sự bất đồng quan điểm với người khác vì họ sợ mất sự hỗ trợ hoặc chấp thuận
- Khó khăn khi bắt đầu các dự án bởi vì họ không tự tin về sự phán đoán và khả năng của họ (không phải vì họ thiếu động lực hoặc năng lượng)
- Sẵn sàng làm bất cứ điều gì (ví dụ, làm những công việc khó chịu) để có được sự hỗ trợ từ người khác
- Cảm giác khó chịu hoặc bất lực khi họ ở một mình bởi vì họ sợ họ không thể tự chăm sóc được bản thân
- Một nhu cầu cấp thiết phải thiết lập một mối quan hệ mới với một người sẽ chăm sóc và hỗ trợ khi một mối quan hệ gần gũi kết thúc
- Mối bận tâm không thực tế với nỗi sợ sẽ phải tự chăm sóc bản thân
Ngoài ra, các triệu chứng phải bắt đầu từ giai đoạn sớm của thời kỳ trưởng thành.
Chẩn đoán phân biệt:
Một số rối loạn nhân cách khác được đặc trưng bởi sự quá nhạy cảm với sự từ chối. Tuy nhiên, chúng có thể được phân biệt với rối loạn nhân cách phụ thuộc dựa vào các đặc điểm đặc trưng, như sau:
- Rối loạn nhân cách ranh giới: Bệnh nhân với rối loạn này rất sợ hãi khi phải tự kiểm soát cuộc sống của bản thân tương tự như bệnh nhân rối loạn nhân cách phụ thuộc. Bệnh nhân có rối loạn nhân cách ranh giới, không giống những người có rối loạn nhân cách phụ thuộc, có sự dao động giữa sự phục tùng và sự thù địch gây hấn.
- Rối loạn nhân cách né tránh: Bệnh nhân bị rối loạn này cũng rất sợ hãi khi tự kiểm soát cuộc sống của bản thân tương tự như bệnh nhân rối loạn nhân cách phụ thuộc. Bệnh nhân có rối loạn nhân cách né tránh trở nên thu rút dần cho đến khi chắc chắn rằng họ sẽ được chấp nhận mà không bị chỉ trích; ngược lại, những người có rối loạn nhân cách phụ thuộc cố gắng tìm ra và cố gắng duy trì mối quan hệ với người khác.
- Rối loạn nhân cách kịch tính: Bệnh nhân mắc rối loạn này tìm kiếm sự chú ý chứ hơn là sự đảm bảo (như những người có rối loạn nhân cách phụ thuộc), nhưng họ bị giải ức chế nhiều hơn. Họ thường khoa trương hơn và tích cực tìm kiếm sự chú ý; những người có rối loạn nhân cách phụ thuộc lại tự hạ thấp bản thân và nhút nhát.
Rối loạn nhân cách phụ thuộc nên được phân biệt với sự phụ thuộc biểu hiện trong các rối loạn tâm thần khác (như rối loạn trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, ám ảnh sợ khoảng trống).
Phòng ngừa bệnh
- Nếu tâm trạng đang căng thẳng hoặc gặp các vấn đề khác ảnh hưởng đến cách đối xử với mình thì bạn nên cùng người nhà tìm đến bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý để có hướng điều trị sớm.
- Trường hợp trẻ bị lạm dụng hoặc trải qua một sự việc đau thương nào đó, nên đưa con đến gặp bác sĩ ngay lập tức nhằm giúp con sớm phục hồi và phát triển bình thường.
- Tâm sự với một người đáng tin cậy chẳng hạn như bạn bè, người thân, bác sĩ để giải tỏa trạng thái căng thẳng, lo lắng.
Điều trị như thế nào?
Một số phương pháp điều trị rối loạn nhân cách phụ thuộc:
- Liệu pháp nhận thức – hành vi
- Liệu pháp tâm lý động.
Liệu pháp tâm lý động và liệu pháp nhận thức – hành vi tập trung vào việc đánh giá những sợ hãi về sự độc lập và những khó khăn trong sự quyết đoán có thể giúp những bệnh nhân có rối loạn nhân cách phụ thuộc. Các bác sĩ lâm sàng nên cẩn thận để tránh thúc đẩy sự phụ thuộc trong mối quan hệ trị liệu.
- Có thể là thuốc chống trầm cảm.
Bằng chứng về liệu pháp dùng thuốc cho chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc còn rất ít. Không có nghiên cứu có đối chứng giả dược đối với chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc.
Benzodiazepin không được sử dụng vì bệnh nhân rối loạn nhân cách phụ thuộc có nguy cơ lạm dụng thuốc cao hơn.
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về rối loạn nhân cách phụ thuộc.