Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Nhau cài răng lược là gì? Những điều cần biết về nhau cài răng lược
Nhau cài răng lược là một thuật ngữ y học mô tả bệnh cảnh lâm sàng khi một phần hay toàn bộ bánh nhau bám chặt và không thể tách rời khỏi thành tử cung. Ở trạng thái bình thường, sau khi sinh, bánh nhau sẽ tự động tách khỏi thành tử cung và đẩy ra ngoài. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về nhau cài răng lược
Tổng quan chung nhau cài răng lược
Nhau cài răng lược là một thuật ngữ y học mô tả bệnh cảnh lâm sàng khi một phần hay toàn bộ bánh nhau bám chặt và không thể tách rời khỏi thành tử cung. Nhau cài răng lược là một thai kỳ nguy cơ cao cho cả mẹ và con khi làm tăng nguy cơ chảy máu và là mối đe dọa đến sinh mạng của thai phụ, thai non tháng. Ở trạng thái bình thường, sau khi sinh, bánh nhau sẽ tự động tách khỏi thành tử cung và đẩy ra ngoài. Nhưng trong trường hợp bị nhau cài răng lược thì bánh nhau bám chặt vào cơ tử cung, thậm chí có thể xâm lấn các cơ quan xung quanh. Đây là nguyên nhân gây ra các tình trạng như băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu, hoặc thậm chí gây tử vong cho sản phụ. Nhau cài răng lược gia tăng đáng kể khả năng cắt tử cung trong và sau sanh và tử vong mẹ được báo cáo là khoảng 7%. Nhau cài răng lược thường được chẩn đoán qua siêu âm, siêu âm màu, cộng hưởng từ.
Dựa trên mức độ xâm lấn của bánh nhau, có thể chia nhau cài răng lược thành 3 thể chính:
- Accreta: thể nhẹ, bánh nhau bám trực tiếp lên bề mặt tử cung (chiếm 79% các trường hợp).
- Increta: thể trung bình, bánh nhau xâm nhập sâu vào trong cơ tử cung nhưng chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung (chiếm 14% các trường hợp).
- Percreta: thể nặng, bánh nhau xâm lấn xuyên qua lớp thanh mạc tử cung và xâm lấn đến những cơ quan lân cận như ruột hay bàng quang (chiếm 7% các trường hợp).
Triệu chứng nhau cài răng lược
Nhau cài răng lược thường không có dấu hiệu hoặc gây triệu chứng gì cho người mẹ trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, một vài trường hợp có thể có xuất huyết âm đạo trong thời kỳ tam cá nguyệt cuối (tuần thai từ 28-40).
Nguyên nhân gây nhau cài răng lược
Hiện vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây ra nhau cài răng lược. Nhưng các bác sĩ nghĩ rằng tình trạng này liên quan đến sự bất thường trong niêm mạc tử cung và nồng độ alpha-fetoprotein cao, đây là một loại protein được sản xuất bởi thai nhi.
Những bất thường trên có thể đến từ sẹo trên tử cung sau sinh mổ hoặc phẫu thuật tử cung. Những vết sẹo này tạo điều kiện cho nhau thai phát triển quá sâu vào thành tử cung. Phụ nữ mang thai có bánh nhau che một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung cũng gia tăng nguy cơ gặp phải nhau cài răng lược.
Ngoài ra, việc từng sinh mổ sẽ góp phần khiến mẹ bầu dễ mắc phải tình trạng trên. Sinh mổ càng nhiều thì nguy cơ bị nhau cài răng lược càng cao.
Đối tượng nguy cơ bị nhau cài răng lược
- Những người nạo thai nhiều lần.
- Người có tiền sử viêm nhiễm niêm mạc tử cung.
- Các mẹ bầu bị nhau thai tiền đạo (nhau phát triển từ phần dưới, phần thấp nhất của tử cung).
- Người mẹ có tiền căn sẹo mổ trên tử cung do mổ lấy thai, mổ bóc u xơ tử cung,…
- Nhóm sản phụ có độ tuổi cao trên 35 tuổi.
- Nhóm sản phụ có số lần sinh con nhiều cũng có nguy cơ cao mắc nhau cài răng lược.
Các biện pháp chẩn đoán nhau cài răng lược
Hiện nay, nhau cài răng lược có thể được chẩn đoán trong thời kỳ mang thai dựa trên một số phương pháp sau:
- Siêu âm thai: siêu âm có thể giúp phát hiện sớm nhau cài răng lược cũng như tình trạng nhau cài răng lược ở mức độ nào, nguy hiểm đến đâu. Thông thường, trong tam cá nguyệt cuối, các bác sĩ sẽ chủ động siêu âm nhau cài răng lược để kiểm tra kỹ hơn tình trạng nhau thai, xem bánh nhau có bám sâu vào thanh mạc tử cung không để từ đó đưa ra phương án xử lý phù hợp.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Phương pháp này được sử dụng khi siêu âm không phù hợp với lâm sàng hoặc chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị nhau cài răng lược cũng phát hiện khi siêu âm thai. Nhiều trường hợp sau khi sinh, nhận thấy nhau thai không bong ra được như bình thường, các bác sĩ mới chẩn đoán tình trạng này. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên chọn các cơ sở y tế uy tín, chất lượng, có đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn và cơ sở vật chất hiện đại để đảm bảo an toàn cho quá trình sinh nở.
Phòng ngừa bệnh nhau cài răng lược
Đối với nhau cài răng lược, người mẹ có thể tham khảo các cách sau để giảm thiểu nguy cơ:
- Tránh nạo phá thai hay phẫu thuật trên tử cung nhiều lần.
- Khám thai định kỳ và theo dõi trong suốt thai kỳ để hạn chế tối đa rủi ro của chứng bệnh này.
- Có kế hoạch dự định sinh nở phù hợp.
- Hạn chế sinh mổ, chỉ nên sinh mổ khi có chỉ định của bác sĩ.
Điều trị nhau cài răng lược như thế nào?
Sau khi phát hiện nhau cài răng lược, các bác sĩ sẽ đưa ra phương án xử lý dựa trên các tiêu chí sau:
- Tình trạng sức khoẻ của sản phụ.
- Vị trí nhau bám.
- Mức độ xâm lấn của nhau vào cơ tử cung.
- Diện tích nhau bám