Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Loạn sản cổ tử cung là gì? Những điều cần biết về loạn sản cổ tử cung
Loạn sản cổ tử cung là sự tăng trưởng bất thường của tế bào bề mặt cổ tử cung. Các triệu chứng của loạn sản cổ tử cung nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Vậy loạn sản cổ tử cung là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Loạn sản cổ tử cung hay còn gọi là tân sinh cổ tử cung là tình trạng các tế bào ở bề mặt cổ tử cung có sự phát triển bất thường dưới sự tác động của viêm nhiễm, vi khuẩn hoặc virus HPV. Tình trạng loạn sản có thể sự biến mất sau vài năm nhưng cũng có thể chuyển sang giai đoạn ác tính tiền ung thư.
Loạn sản cổ tử cung thường gặp ở những người quan hệ tình dục quá sớm, bị viêm nhiễm mạn tính, sinh con trước 16 tuổi và những chị em bị suy giảm hệ miễn dịch do HIV/ AIDS,…
Triệu chứng
Khi mới ở giai đoạn đầu loạn sản cổ tử cung hiếm khi bộc lộ biểu hiện rõ ràng. Sang tới giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể mơ hồ cảm nhận được những thay đổi với các triệu chứng chủ yếu là ra máu âm đạo bất thường, chảy máu sau khi quan hệ tình dục, ra máu sau khi đã mãn kinh một thời gian. Ngoài ra còn là các dấu hiệu khác như đau khi giao hợp, đau bụng vùng tiểu khung, âm đạo ra nhiều khí hư bất thường, hôi,…
Loạn sản cổ tử cung thường được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm PAP và để kiểm tra được sự bất thường của các tế bào tại cổ tử cung, phụ nữ nên đi thăm khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm PAP. Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo nên làm xét nghiệm HPV để chẩn đoán sự tồn tại của virus HPV trong cổ tử cung. Vì HPV nhóm nguy cơ cao như type 16 và 18 sẽ làm tăng nguy cơ loạn sản cổ tử cung tiến triển sang ung thư cổ tử cung nhanh hơn.
Có nhiều người thắc mắc rằng liệu loạn sản cổ tử cung có tiến triển thành ung thư cổ tử cung hay không. Theo hình thái học thì các tế bào khi sinh trưởng loạn sản trông khá tương đồng với các tế bào ung thư nhưng về bản chất thì chúng không phải là tế bào ác tính. Nguyên nhân là vì tế bào loạn sản vẫn phát triển khu trú tại lớp biểu mô cổ tử cung, chưa xâm lấn và lan rộng sang những tổ chức lành khác tại đây.
Tuy nhiên cũng có thể nói rằng loạn sản cổ tử cung chính là tín hiệu cho thấy sự phát triển bất quy tắc của các tế bào bất thường nên nguy cơ chuyển thành ung thư cũng rất cao.
Nguyên nhân
Không có nguyên nhân chính xác cho bệnh loạn sản cổ tử cung nhưng có một số nguyên nhân được cho làm tăng nguy cơ gây bệnh như:
- Nhiễm một số loại papillomavirus ở người(HPV).
- Quan hệ tình dục thiếu an toàn.
- Quan hệ với nhiều người cùng lúc, bạn tình có mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Sinh con quá sớm trước 20 tuổi.
- Hút thuốc lá, thuốc lào…
Đối tượng nguy cơ
Những người có đời sống quan hệ tình dục không an toàn, có nhiều bạn tình hoặc thực hiện việc yêu quá sớm trước khi đủ 18 tuổi, phụ nữ sinh con trước tuổi 16, có bệnh suy giảm miễn dịch, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch… là những đối tượng có nguy cơ cao mắc căn bệnh loạn sản cổ tử cung.
Chẩn đoán
Loạn sản cổ tử cung đa phần không gây ra bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào. Bệnh nhân thường phát hiện ra bản thân bị loạn sản cổ tử cung qua sự xuất hiện các tế bào bất thường trên kết quả xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (xét nghiệm Pap), chính vì thế thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ là rất có ý nghĩa.
Phết tế bào cổ tử cung là một xét nghiệm kiểm tra sự bất thường của các tế bào từ cổ tử cung được lấy làm mẫu kiểm tra. Quá trình thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung thường không đau.
Kết quả của một xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung có thể là bình thường, không xác định hoặc bất thường. Nếu nhận kết quả bình thường, đừng quên thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ. Trường hợp kết quả ghi không xác định nghĩa là chưa thể khẳng định có tồn tại loạn sản cổ tử cung, đôi khi hiện bệnh nhân chỉ có viêm nhiễm đơn thuần ở âm đạo hoặc cổ tử cung, và bác sĩ có thể sẽ chỉ định làm lại xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (các can thiệp hoặc chẩn đoán khác cần thực hiện sẽ phụ thuộc vào tuổi và tiền sử bệnh lí của bệnh nhân).
Còn nếu kết quả là bất thường có nghĩa loạn sản cổ tử cung có thể đã xuất hiện, và được gọi dưới thuật ngữ tổn thương tế bào biểu mô vảy (squamous intraepithelial lesion – SIL).
Dựa trên kết quả xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung, tổn thương tế bào biểu mô vảy được phân loại thành:
- Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp (low – grade squamous intraepithelial lesion – LSIL): Khi xuất hiện các bất thường mức độ nhẹ.
- Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ cao (high – grade squamous intraepithelial lesion – HSIL): Khi xuất hiện các bất thường ở mức độ từ trung bình tới nặng.
- Tế bào tuyến không điển hình (atypical glandular cells – AGC) hoặc tế bào vảy không điển hình (atypical squamous cells – ASC).
Nếu xuất hiện biến đổi tế bào (dù là mức độ nhẹ, trung bình hay nặng) thì bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm. Soi cổ tử cung là một kĩ thuật giúp bác sĩ quan sát kĩ tình trạng của cổ tử cung. Trong quá trình soi bác sĩ có thể tiến hành lấy mẫu mô để mang đi kiểm tra giải phẫu bệnh.
Nếu các thay đổi tiền ung thư được nhận thấy trên giải phẫu bệnh, thuật ngữ tân sinh biểu mô cổ tử cung (cervical intraepithelial neoplasia – CIN) sẽ được áp dụng, và phân độ sẽ dựa vào phạm vi các tế bào loạn sản được nhìn thấy ở mẫu mô biểu mô cổ tử cung:
- CIN 1: Khi loạn sản chỉ xuất hiện ở 1/3 dưới của lớp biểu mô của cổ tử cung; trường hợp này được nhận định là loạn sản mức độ nhẹ.
- CIN 2: Khi loạn sản xuất hiện ở 2/3 dưới của lớp biểu mô của cổ tử cung; trường hợp này được nhận định là loạn sản mức độ trung bình.
- CIN 3: Khi loạn sản chiếm trên 2/3 độ dày của lớp biểu mô của cổ tử cung (thậm chí là toàn bộ lớp biểu mô cổ tử cung); trường hợp này là loạn sản mức độ nặng.
Xét nghiệm virus HPV (human papillomavirus) có thể thực hiện cùng lúc với xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung nhằm xác định tình trạng nhiễm virus gây u nhú ở người, đồng thời xác định type nếu đã nhiễm.
Phòng ngừa bệnh
Đến nay, chưa có một nghiên cứu chính thức nào có thể chỉ ra biện pháp phòng tránh hoàn toàn loạn sản cổ tử cung. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo chị em nên thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu nguy cơ, bao gồm:
- Không quan hệ tình dục khi còn quá nhỏ.
- Quan hệ tình dục lành mạnh: quan hệ 1:1, dùng bao cao su khi quan hệ, chung thủy 1 vợ – 1 chồng.
Phương pháp tầm soát loạn sản và ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất là tiêm phòng HPV. Chị em có thể tiêm phòng trước 26 tuổi.
Điều trị như thế nào?
Bác sĩ thường chưa có can thiệp đối với loạn sản mức độ nhẹ, mà sẽ chỉ định theo dõi, và thực hiện tái khám, làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung theo hẹn, bởi vì loạn sản mức độ nhẹ có thể tự thoái lui, trở về hoàn toàn bình thường sau một thời gian mà không cần can thiệp.
Tuy nhiên loạn sản mức độ nhẹ cũng có thể tiếp tục diễn tiến lên mức độ nặng hơn, hoặc tồn tại kéo dài (sau 2 năm loạn sản mức độ nhẹ vẫn còn tồn tại thì sẽ cần can thiệp điều trị). Loạn sản mức độ trung bình và mức độ nặng cần can thiệp điều trị càng sớm càng tốt nhằm phòng tránh nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung.
Các phương pháp điều trị đối với loạn sản cổ tử cung bao gồm:
- Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (loop electrosurgical excision procedure – LEEP), hoặc các phương pháp khoét chóp khác.
- Phẫu thuật lạnh (cryosurgery).
- Phẫu thuật bằng laser.
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (loop electrosurgical excision procedure – LEEP)
Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện là kĩ thuật loại bỏ mô cổ tử cung bất thường bằng một vòng mảnh được đốt nóng bằng điện (vòng điện này giữ vai trò như một dao mổ).
Sau khi thực hiện khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện, đa số bệnh nhân có thể thực hiện các hoạt động bình thường trong vòng từ 1 đến 3 ngày, đồng thời nên tránh quan hệ tình dục, thụt rửa hoặc sử dụng tampon từ 3 tới 4 tuần.
Phẫu thuật lạnh (cryosurgery)
Phẫu thuật lạnh, còn gọi là áp lạnh, là kĩ thuật sử dụng nguồn cực lạnh (nitrogen lỏng hoặc carbon dioxide) để đóng băng và phá hủy mô và tế bào bất thường. Nguồn cực lạnh được dẫn qua một ống kim loại. Sau khi hoàn thành quá trình đóng băng, ống kim loại được làm ấm lên và đưa ra ngoài, con khối mô bệnh bị đóng băng sẽ tan chảy và hình thành mô sẹo.
Phẫu thuật bằng laser
Phẫu thuật bằng laser là một phương pháp phẫu thuật sử dụng chùm ánh sáng (laser) để tạo các đường cắt không chảy máu trong mô. Vị trí mô bị bệnh sẽ bị chùm laser chiếu vào đốt và làm bốc hơi.
Phẫu thuật cắt bỏ tử cung
Đối với loạn sản cổ tử cung, phẫu thuật cắt bỏ tử cung ít khi được thực hiện, trừ khi loạn sản không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Trên đây là những chia sẻ về loạn sản tử cung hi vọng các bạn có thể hiểu hơn về loạn sản tử cung và cách phòng tránh.