Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Lãnh cảm là gì? Những điều cần biết về lãnh cảm
Bệnh lãnh cảm hay xảy ra ở phụ nữ ngoài 30 tuổi, nhất là những phụ nữ sau sinh giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh thì tình trạng lãnh cảm càng trở nên nghiêm trọng hơn. Vậy bệnh lãnh cảm là gì? Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin giúp nhận biết dấu hiệu và điều trị tình trạng lãnh cảm.
Tổng quan chung bệnh lãnh cảm
Bệnh lãnh cảm là hội chứng suy giảm chức năng sinh lý ở phụ nữ, đây là tình trạng mất hứng thú, không còn thấy khoái cảm, thậm chí sợ hãi khi quan hệ tình dục với bạn đời của mình.
Triệu chứng bệnh
Lãnh cảm ở nữ giới biểu hiện bằng sự hờ hững, không có hứng thú khi quan hệ. Một số triệu chứng điển hình của lãnh cảm đó là:
- Giảm ham muốn: Chị em mất dần hứng thú với chuyện yêu, không có nhu cầu gần gũi, quan hệ.
- Hiếm khi hoặc không suy nghĩ về tình dục: Hờ hững, không quan tâm hoặc không suy nghĩ về chuyện quan hệ.
- Giảm hưng phấn hoặc khoái cảm khi quan hệ tình dục: Chị em không có cảm giác, không khoái cảm, không tạo được kích thích tình dục.
- Giảm tín hiệu kích thích tình dục bên ngoài: Mặc dù được kích thích bên ngoài như gần gũi về tâm lý, xem các hình ảnh kích thích nhưng không hề cảm thấy hứng thú.
- Không có phản ứng khi quan hệ: Bộ phận sinh dục không có phản ứng với chuyện yêu như máu không được tăng cường tới âm vật, không có hứng phấn, khô âm đạo,…
Nguyên nhân bệnh lãnh cảm
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng lãnh cảm, nhưng nguyên nhân tâm lý và nguyên nhân bệnh lý là 2 nguyên nhân chính:
Bệnh lý
- Do thiếu hụt/ rối loạn nội tiết tố nữ: Rối loạn nội tiết tố nữ là nguyên nhân chủ yếu làm chị em dễ mắc bệnh lãnh cảm. Nội tiết tố nữ estrogen không chỉ quy định đặc tính vốn có của phái đẹp mà còn quy định chức năng sinh lý, tăng tiết dịch âm đạo, giúp cuộc yêu trở nên mặn nồng hơn. Tuy nhiên sau 30 tuổi, hàm lượng estrogen suy giảm khiến phụ nữ suy giảm chức năng sinh lý, dễ bị khô âm đạo và gây lãnh cảm ở phụ nữ.
- Do khiếm khuyết cơ quan sinh sản: Những khiếm khuyết ở cơ quan sinh dục nữ như hẹp âm đạo, ngắn âm đạo, âm vật bé, màn trinh dày cũng là nguyên nhân khiến chị em bị lãnh cảm.
- Do mắc bệnh phụ khoa: Viêm nhiễm vùng kín, mắc bệnh phụ khoa hay viêm đường tiết niệu,… khiến chị em phụ nữ gặp khó khăn khi quan hệ. Vậy nên chị em thường đau rát khi quan hệ, tình trạng này kéo dài gây ra nỗi ám ảnh và sợ hãi khi gần gũi.
- Do bệnh tật: Chị em mắc phải các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư hay bệnh lý ở thận, bàng quang đều làm suy giảm sinh lý, khiến nhiều chị em bị lãnh cảm.
Tâm lý
Tâm lý cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lãnh cảm ở phụ nữ:
- Gặp căng thẳng, áp lực trong việc chăm sóc gia đình, con cái, công việc nhà khiến chị em cảm thấy mệt mỏi, stress. Hơn nữa nếu người chồng không quan tâm, chia sẻ thì càng khiến chị em buồn bực, giảm ham muốn.
- Gia đình thường xảy ra cãi vã, mâu thuẫn giữa vợ chồng không được giải quyết khiến chị em buồn bực, chán nản, không mặn nồng với chuyện chăn gối.
- Nhiều chị em mặc cảm về bản thân, về quá khứ không tốt đẹp khiến phụ nữ cảm thấy tự ti, sợ hãi và ám ảnh chuyện quan hệ tình dục.
- Tình dục không hòa hợp giữa 2 vợ chồng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng không hứng thú và bị lãnh cảm.
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng có nguy cơ mắc lãnh cảm cao đó là:
- Người bị rối loạn nội tiết tố
- Những người bị hẹp âm đạo, ngắn âm đạo, âm vật bé,…
- Những người đang mắc các bệnh phụ khoa
- Chị em phụ nữ trải qua căng thẳng, mệt mỏi, áp lực hoặc cãi vã với bạn tình
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác tình trạng lãnh cảm của bản thân, chị em cũng có thể thực hiện những cách sau:
- Thăm khám, trả lời các câu hỏi khảo sát về tình dục và tinh thần
- Khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để loại bỏ nguyên nhân vật lý như nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh.
- Xét nghiệm công thức máu để biết rõ hơn về sức khỏe tổng quát.
- Gặp các chuyên gia tâm lý chuyên về sức khỏe tình dục để biết được tình trạng bệnh của bản thân
Phòng ngừa bệnh lãnh cảm
Để phòng ngừa lãnh cảm được cải thiện, chị em cần quan tâm, nhìn nhận vấn đề toàn diện, từ mặt tâm lý cho tới sức khỏe sinh lý.
- Nên chia sẻ, trao đổi các thông tin, vấn đề liên quan tới tình dục để tìm được giải pháp khắc phục.
- Tìm hiểu hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc đang dùng để biết tác dụng phụ có gây lãnh cảm hay giảm ham muốn không.
- Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên hoạt động thể chất để tránh căng thẳng. Tránh sử dụng bia rượu, các chất kích thích, đồ ăn nhanh, cay nóng, nhiều dầu mỡ.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để xác định được tình trạng bệnh, nguyên nhân cũng như phát hiện các bệnh phụ khoa khác.
Điều trị bệnh lãnh cảm như thế nào?
Bệnh lãnh cảm ở phụ nữ nếu không được điều trị sớm và đúng cách sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Tuỳ vào nguyên nhân gây lãnh cảm mà sẽ có cách điều trị phù hợp.
Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc được đề xuất cho những trường hợp lãnh cảm do thiếu hụt nội tiết tố, các bệnh lý phụ khoa. Các thuốc hỗ trợ điều trị bệnh lãnh cảm ở phụ nữ phổ biến như: viên uống bổ sung estrogen, đặt vòng giải phóng estrogen trong âm đạo…
Những nhóm thuốc này có tác dụng gia tăng lưu lượng máu tới âm đạo, từ đó giúp tăng ham muốn tình dục. Tuy nhiên, chị em không nên tự ý sử dụng thuốc mà nên thăm khám và thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Cải thiện chất lượng đời sống tình dục
Nếu đời sống tình dục của bạn đang gặp vấn đề, không được như ý dẫn đến chán nản, giảm ham muốn tình dục. Bạn hãy cải thiện chất lượng đời sống tình dục bằng những cách như:
- Chia sẻ cởi mở, thẳng thắn với đối phương về sở thích hay những điều chưa hài lòng trong sinh hoạt tình dục. Từ đó cùng nhau tìm cách khắc phục.
- Làm mới câu chuyện tình dục bằng cách thử các tư thế quan hệ mới. Thay đổi thời gian hay địa điểm sinh hoạt.
- Có thể xem phim hoặc dùng đồ chơi tình dục để tăng sự kích thích. Ngoài ra, có thể dùng gel bôi trơn để quan hệ được “trơn tru” hơn.
- Nếu những cách trên không có tác dụng. Hãy nhờ sự tư vấn của chuyên gia để tăng cường khả năng tình dục và cải thiện tình hình bệnh lý.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.