Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Ho ra máu là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Ho ra máu là máu từ đường hô hấp dưới được ho, khạc, trào, ộc ra ngoài theo đường miệng, mũi. Ho ra máu là một dấu hiệu liên quan tới nhiều bệnh, trong đó có các bệnh tại phổi như lao phổi, nấm phổi, áp xe phổi… Ngoài ra, ho ra máu có thể là biến chứng của các thủ thuật thực hiện khi nội soi phế quản.
Tổng quan chung
Ho ra máu là tình trạng máu từ đường hô hấp dưới được ho khạc ra ngoài qua đường miệng, mũi. Ho ra máu có nhiều mức độ khác nhau, có thể từ ít máu lẫn trong đờm tới ho ra máu nặng đe dọa tính mạng. Ho ra máu là một tình trạng thường gặp trong cấp cứu về bệnh lao và bệnh phổi ở nước ta hiện nay, tỉ lệ tử vong cao.
Triệu chứng ho ra máu
Trước khi ho ra máu, người bệnh thường có các dấu hiệu báo trước bao gồm cảm giác khó chịu, hồi hộp, nóng lan ra sau xương ức, cảm giác ngực bị đè nặng, khó thở. Ngay trước khi ho ra máu, người bệnh bị lợm giọng, ngứa cổ họng, cảm giác có vị tanh ở miệng.
Bệnh nhân ho ra máu ban đầu máu có màu đỏ tươi, có bọt lẫn đờm (chứng tỏ máu ra từ phế quản), sau đó theo thời gian ho máu chuyển dần sang sẫm màu. Số lượng máu ra trung bình từ vài chục đến vài trăm ml. Lượng máu ho ra trên 200ml được xem là ho nhiều máu. Máu ho ra có thể đông lại trong đường hô hấp, gây bít tắc các phế quản làm cho bệnh nhân giãy giụa, nghẹt thở.
Thời gian ho ra máu có thể từ một vài giờ đến nhiều ngày. Máu sẽ ra nhiều trong những ngày đầu, sau đó giảm dần theo thời gian có thể quan sát được bằng màu sắc của máu. Máu màu nâu, xám, bã đậu là dấu hiệu sắp kết thúc đợt ho.
Khám lâm sàng thấy bệnh nhân có các triệu chứng liên quan đến bệnh lý phổi, phế quản (sốt, khó thở, đau ngực,…).
Nguyên nhân ho ra máu
Ho ra máu có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Các bệnh lý thường gặp khi bị ho ra máu là:
- Lao phổi: Ho ra máu là dấu hiệu của bệnh lao phổi chưa được chẩn đoán. Là hậu quả của bệnh đã được ủ trong thời gian dài.
- Giãn phế quản: Bệnh nhân ho, khạc đờm thường xuyên, kéo dài
- Ung thư phế quản – phổi
- Bệnh về phế quản: Viêm phế quản cấp và mạn tính; hen phế quản
- Bệnh lý về phổi: Viêm phổi, nấm phổi, áp xe phổi, tắc mạch phổi
- Bệnh lý tim mạch: Tăng huyết áp, suy tim
- Bệnh lý toàn thân: Nhiễm khuẩn huyết, thiếu vitamin C
- Nguyên nhân ngoại khoa: Chấn thương, đụng dập lồng ngực, gãy xương sườn
Đối tượng nguy cơ ho ra máu
Những đối tượng sau có nguy cơ dễ bị ho ra máu như:
- Bệnh nhân lao phổi
- Người bị giãn phế quản
- Người bị ung thư phổi
- Người mắc các bệnh nhiễm khuẩn phổi – phế quản khác ngoài vi khuẩn lao: Viêm phổi, áp xe phổi, nấm phổi, sán lá phổi…
- Người bị tắc mạch phổi
- Người mắc các bệnh lý tim mạch: Hẹp hai lá, phù phổi cấp
Chẩn đoán ho ra máu
Để chẩn đoán cũng như phục vụ cho công tác điều trị tình trạng ho ra máu, có các phương pháp can thiệp sau:
- Soi phế quản ống mềm
Việc này nhằm kiểm soát đường thở thông qua chèn ống soi ở nơi chảy máu, hoặc cũng có thể đặt nội khí quản riêng ở bên lành nằm phía đối diện đông cao tần cầm máu, nút động mạch phế quản. Để cầm máu phải nhét gạc có tẩm thêm thuốc cầm máu vào phế quản chảy máu.
Trong trường hợp bệnh nhân vẫn tiếp tục bị chảy máu và không thể xác định được nơi chảy máu, có thể áp dụng phương pháp đặt nội khí quản Carlen 2 nòng, với mục đích cô lập bên phổi bị chảy máu, đồng thời thông khí phổi lành.
- Chụp X-quang ngực
Kỹ thuật này rất quen thuộc, được thực hiện khá dễ dàng và nhanh chóng. Bên cạnh chụp X-quang ngực, bệnh nhân sẽ cần làm thêm các xét nghiệm khác để có chẩn đoán chính xác hơn.
- Xét nghiệm máu
Biện pháp này giúp chẩn đoán nguyên nhân nào gây nên hiện tượng ho ra máu và nhờ đó sẽ giúp đưa ra phác đồ điều trị nào hiệu quả nhất cho người bệnh.
- Chụp cắt lớp vi tính ngực (CT)
Phương pháp này cho ra hình ảnh rõ ràng hơn và giúp bác sĩ xác định được vị trí của tổn thương trên phổi, những tổn thương này có thể không được phát hiện khi chụp X-quang ngực.
Phòng ngừa bệnh ho ra máu
Để phòng ngừa ho ra máu, bạn có thể tham khảo một số các biện pháp như:
- Nên ngủ đủ giấc và ngủ đúng giờ (đối với người lớn là từ 7 – 8 tiếng/ngày)
- Có chế độ nghỉ ngơi, vận động và làm việc hợp lý
- Không lạm dụng các thực phẩm, đồ uống chứa nhiều chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà đặc hay thuốc lá,…
- Tránh vận động quá sức để giảm gánh nặng cho phổi và tim
- Bổ sung các loại thức ăn có tác dụng thanh nhiệt như nước lọc (ít nhất 2 lít/ngày), hoa quả tươi, rau xanh.
Điều trị ho ra máu như thế nào?
Tùy tình trạng nặng hay nhẹ, nguyên nhân gây ho ra máu mà người bệnh có thể lựa chọn điều trị tại nhà hay đến bệnh viện.
- Ho ra máu nhẹ
Lượng máu ho ra < 50ml/ngày. Máu ho ra chỉ thành vệt, lẫn trong đờm hoặc chỉ ho ra vài ngụm máu nhỏ.
Trong trường hợp này, việc cần thực hiện là cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, dùng các thuốc an thần cầm máu, giảm ho, ăn lỏng (sữa, súp) hoặc nửa lỏng (cháo, mì, miến, phở…). Không cho người bệnh ăn các thức ăn khó tiêu, không uống các đồ uống có chứa cồn hoặc chất kích thích.
Nếu bệnh nhân cầm được máu và ổn định trở lại thì vẫn cần đi khám sức khỏe để xác định nguyên nhân gây ra ho ra máu để điều trị triệt để. Nếu ho ra máu nhiều hơn hoặc ra máu dai dẳng phải đến điều trị tại bệnh viện.
- Ho ra máu trung bình
Lượng máu ho ra từ 50 – 200 ml/ngày. Bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để điều trị triệt để.
- Ho ra máu nặng
Lượng máu ho ra > 200ml/ngày. Bệnh nhân cần được điều trị và theo dõi lâu dài tại bệnh viện. Nếu mất máu nhiều cần thiết phải truyền máu bổ sung.
Ho ra máu là một tình trạng bệnh lý đáng lo của cơ thể, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Vì vậy cần phải có biện pháp phòng ngừa tình trạng này một cách chủ động, hợp lý bằng cách tránh hút thuốc lá, điều trị huyết áp, điều trị triệt để các bệnh về hô hấp,…
Tóm lại, ho ra máu là một triệu chứng thường gặp trong các bệnh lý đường hô hấp. Bệnh có xu hướng tái phát nếu không được điều trị triệt để. Ho ra máu nặng được xem là một cấp cứu nội khoa, bệnh nhân có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.