Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Giác mạc hình chóp là gì? Những điều cần biết về giác mạc hình chóp
Giác mạc hình chóp là bệnh ở mắt tuy hiếm gặp nhưng lại gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Hơn nữa, nguyên nhân và biểu hiện bệnh cũng khá mờ nhạt khiến người bệnh dù đã khám ở nhiều nơi nhưng vẫn không “bắt” được bệnh, chỉ đến khi thăm khám ở các chuyên khoa mắt uy tín với hệ thống máy móc và bác sĩ chuyên môn cao, bệnh mới có thể được phát hiện. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về giác mạc hình chóp qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Giác mạc hình chóp là tình trạng giác mạc không có hình cầu mà lồi ra ngoài thành hình chóp. Giác mạc hình chóp có thể gây ra thị lực mờ và khiến bệnh nhân nhạy cảm với ánh sáng. Giác mạc chóp thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và thường bắt đầu xuất hiện từ độ tuổi 10 đến 25. Tình trạng bệnh có thể tiến triển chậm trong 10 năm hoặc lâu hơn.
Triệu chứng
Các triệu chứng xuất hiện khi bệnh nhân mắc bệnh giác mạc hình chóp như sau:
- Tầm nhìn mờ hoặc méo mó
- Tăng độ nhạy cảm với ánh sáng
- Tật cận thị tiến triển nặng và nhanh hơn
- Nhức đầu, đỏ mắt, mỏi mắt
Nguyên nhân gây giác mạc hình chóp
Nguyên nhân chính xác gây giác mạc hình chóp đến nay vẫn là một ẩn số, cần nhiều nghiên cứu từ các nhà khoa học. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân liên quan như:
- Tuổi tác: Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi thanh thiếu niên và có tốc độ tiến triển rất khác nhau tùy theo từng người.
- Tiền sử có một số bệnh: bệnh giác mạc hình chóp thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử viêm kết mạc mùa xuân, viêm kết mạc dị ứng, hay day dụi mắt, sốt theo mùa, hen suyễn, eczema…
- Người có cơ địa dị ứng dễ mắc các bệnh viêm kết mạc mùa xuân, viêm kết mạc dị ứng khiến ngứa mắt, bệnh nhân day dụi mắt nhiều và có thể gây tổn thương giác mạc, tạo cơ hội cho bệnh giác mạc hình chóp phát triển.
- Di truyền:
- Một số người có khiếm khuyết di truyền làm cho các sợi collagen nhất định trong giác mạc trở nên suy yếu. Khi sợi collagen suy yếu, nó không còn giữ được giác mạc trong suốt, không duy trì được cấu trúc mái vòm và giác mạc bắt đầu phình ra phía trước.
- Nhiều trường hợp người cùng họ hàng có chung bệnh giác mạc hình chóp nên càng củng cố cho nhận định: giác mạc hình chóp có yếu tố di truyền.
- Sinh hoạt, môi trường: Tiếp xúc với tia cực tím quá nhiều, môi trường ô nhiễm khói bụi gây các bệnh dị ứng ở mắt là một trong những tác nhân gây giác mạc hình chóp.
- Nội tiết tố: Do độ tuổi và thời điểm khởi phát của bệnh mà người ta cho rằng nội tiết tố có thể đóng vai trò lớn trong sự phát triển bệnh. Bệnh giác mạc hình chóp thường phát triển ở độ tuổi thanh thiếu niên (sau tuổi dậy thì). Bệnh cũng được ghi nhận có xuất hiện ở phụ nữ mang thai.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi thanh thiếu niên và có tốc độ tiến triển rất khác nhau tùy theo từng người. Đôi khi bệnh chỉ tiến triển đến một giai đoạn nhất định rồi ổn định và dừng lại (thường tiến triển tới khi 20-30 tuổi). Hiện nay, người ta chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh giác mạc hình chóp nhưng đã tìm thấy mối liên quan với một số yếu tố như: bệnh thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử viêm kết mạc mùa xuân, viêm kết mạc dị ứng, hay day dụi mắt… và bệnh có thể có yếu tố di truyền.
Chẩn đoán
Để có thể chẩn đoán chính xác bệnh lý mà người bệnh đang mắc phải, các bác sĩ sẽ cần phải kiểm tra hình dạng của giác mạc bằng cách sử dụng một số phương pháp xét nghiệm như:
Phương pháp xét nghiệm địa hình giác mạc (Corneal topography)
Đây là phương pháp có thể chẩn đoán được hình dạng của giác mạc có thực sự bị biến dạng hay không được bác sĩ áp dụng nhiều nhất. Địa hình giác mạc là một kỹ thuật chụp lại hình ảnh của giác mạc và hình ảnh này sẽ được đưa đi phân tích để có thể phát hiện được những điểm bất thường.
Nếu trẻ có bố hoặc mẹ đã có tiền sử mắc bệnh giác mạc có hình chóp thì trẻ sẽ được yêu cầu là xét nghiệm địa hình giác mạc hàng năm cho đến khi trẻ bước qua tuổi thứ 10. Trong thời gian ấy, cho dù hình ảnh giác mạc không phát hiện ra được bất cứ điều gì bất thường thì cha mẹ cũng không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đi khám định kỳ.
Kiểm tra giác mạc
Ngoài việc thăm khám tổng quát toàn bộ mắt, bác sĩ cũng sẽ thực hiện phương pháp kỹ thuật kiểm tra giác mạc bằng cách sử dụng đèn khe và kính hiển vi sinh học thẳng đặc biệt. Nếu như bệnh nhân bị giác mạc chóp, mắt của người bệnh sẽ có nếp nhăn ở bên trong giác mạc. Những nếp nhăn này thường được các chuyên gia gọi là vân Vogt.
Phòng ngừa bệnh
Không thể phòng ngừa giác mạc hình chóp, tuy nhiên cần áp dụng một số biện pháp để kiểm soát bệnh tránh bệnh nặng hơn:
- Tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ nhãn khoa. Đến khám mắt nếu có bất cứ thay đổi thị lực hay xuất hiện các triệu chứng mới khác.
- Không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Tránh các nguyên nhân gây dị ứng.
- Dùng kính bảo vệ mắt khi bơi lội, chơi thể thao và đi đường.
Bệnh nhân có bệnh giác mạc hình chóp cần phải thăm khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng từ đó thay đổi các thông số kính phù hợp. Khi dùng kính tiếp xúc cần tuân thủ hướng dẫn, vệ sinh và bảo quản kính tránh những biến chứng có thể gặp phải trong quá trình sử dụng.
Điều trị như thế nào?
Sử dụng kính:
Biện pháp điều trị bệnh giác mạc hình chóp sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng tiến triển bệnh của mỗi bệnh nhân. Nếu mức độ giác mạc hình chóp trong khoảng từ nhẹ đến trung bình, người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng kính mắt hoặc kính áp tròng.
- Sử dụng kính gọng hoặc kính áp tròng mềm: Điều chỉnh thị lực mờ hoặc méo trong giai đoạn đầu của bệnh;
- Sử dụng kính áp tròng cứng: Điều trị khi bệnh đã tiến triển tới giai đoạn tiếp theo. Kính áp tròng cứng được sử dụng để điều trị là kính được thiết kế riêng để phù hợp với giác mạc của từng người bệnh.
- Sử dụng kính áp tròng tổng hợp: Loại kính này là sự kết hợp của kính áp tròng cứng và mềm. Bên trong kính cứng và vòng xung quanh phía ngoài sẽ là kính mềm. Loại kính này sẽ giúp người dùng cảm thấy thoải mái hơn.
- Sử dụng kính áp tròng Scleral: Sử dụng kính này khi giác mạc hình chóp ở giai đoạn thứ hai. Loại kính áp tròng này sẽ to hơn loại thông thường, khi đeo kính sẽ lấn ra phần lòng trắng mắt (củng mạc).
- Kính áp tròng sử dụng trong điều trị bệnh giác mạc hình chóp phải do bác sĩ chuyên khoa mắt chỉ định. Bệnh nhân khi tiến hành điều trị giác mạc hình chóp phải đi tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Trong quá trình tái khám, bác sĩ sẽ theo dõi đáp ứng của giác mạc với kính, thay kính cho phù hợp với sự thay đổi của bệnh.
Phẫu thuật:
- Phương pháp phẫu thuật Cross Linking là một phương pháp phẫu thuật có thể làm chậm tiến triển giác mạc hình chóp. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ sử dụng vitamin B2 nhỏ lên giác mạc, tiếp đó sẽ tiến hành chiếu tia cực tím để tạo ra các liên kết ngang nối các sợi collagen của giác mạc lại với nhau, từ đó góp phần làm tăng độ chắc của giác mạc cho bệnh nhân.
- Ở những bệnh nhân mắc bệnh giác mạc hình chóp đã ở giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ phải tiến hành một ca phẫu thuật đặt vòng trong nhu mô giác mạc để nhìn rõ hơn hoặc phải ghép giác mạc một phần hoặc toàn bộ giác mạc thì mới có thể khôi phục lại thị lực một cách tối đa.
Trên đây là những chia sẻ về Giác mạc hình chóp là gì? Những điều cần biết về giác mạc hình chóp. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.