Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Dây Rốn Bám Màng Là Gì? Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị Dy Rốn Bám Màng
Dây rốn bám màng là một hiện tượng hiếm gặp nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Để hiểu rõ hơn về dây rốn bám màng, các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung dây rốn bám màng
Dây rốn bám màng (Velamentous Cord Insertion) là hiện tượng dây rốn bám vào rìa màng nhau hoặc màng ối, thay vì bám vào giữa bánh nhau. Điều này khiến các mạch máu của thai nhi phải tự hoạt động mà không có sự bảo vệ của bánh nhau khi kết nối tại dây rốn.
Trong Sản khoa dây rốn bám vào màng ối là hiện tượng hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm với cả thai phụ lẫn thai nhi. Tình trạng này gây cản trở đến việc tiếp nhận oxy và hấp thụ dinh dưỡng nuôi dưỡng thai nhi, hay nói cách khác, dây rốn bám màng khiến thai nhi chỉ hấp thu tối đa 30% chất dinh dưỡng. Đây chính là nguyên nhân khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng bào thai, sinh non và thai lưu bất kỳ lúc nào.
Dây rốn bám màng đặc biệt nguy hiểm trong giai đoạn chuyển dạ khi có những cơn gò tử cung có thể làm rách màng ối, đứt dây nhau và cắt đứt nguồn máu nuôi thai khiến thai bị ngạt và mất tim thai đột ngột khi vẫn còn trong bụng mẹ.
Ngoài ra, các vị trí dây rốn bám bất thường như dây rốn bám màng và dây rốn bám rìa còn làm tăng nguy cơ mắc các tai biến sản khoa như nhau tiền đạo, nhau bong non, tiền sản giật… Dây rốn ở vị trí gần trong cổ tử cung được gọi là mạch máu tiền đạo sẽ gây hậu quả nặng nề lên thai nhi, đe dọa tính mạng thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.
Triệu chứng dây rốn bám màng
Dây rốn bám màng thường không có triệu chứng rõ rệt và thường được phát hiện qua siêu âm theo dõi thai định kỳ. Việc phát hiện tình trạng dây rốn bám màng sớm sẽ giúp bác sĩ chủ động lên kế hoạch theo dõi thai kỳ và có điều trị phù hợp, xử trí hiệu quả các tình huống trong tình huống khẩn cấp.
Các triệu chứng bất thường trong thai kỳ cũng là yếu tố góp phần cho chẩn đoán. Nếu thai phụ bị chảy máu âm đạo, hoặc thai nhi bị chậm nhịp tim, bác sĩ có thể chỉ định thai phụ thực hiện thêm siêu âm để phát hiện các tình trạng dây rốn bất thường.
Nguyên nhân dây rốn bám màng
Hiện tại vẫn chưa xác định nguyên nhân dây rốn bám màng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm ra được một số yếu tố nguy cơ.
Thống kê cho thấy, tình trạng này xảy ra ở khoảng 1% trường hợp thai kỳ đơn thai, nhưng lên đến 9% đối với trường hợp thai kỳ song thai. Tỷ lệ này sẽ càng cao hơn khi song thai có chung màng đệm.
Đối tượng nguy cơ dây rốn bám màng
Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Mang thai khi lớn tuổi;
- Bị nhau tiền đạo hoặc mạch máu tiền đạo trong thai kỳ;
- Bị tiểu đường thai kỳ khi mang thai;
- Thói quen hút thuốc lá trước và trong khi mang thai;
- Các trường hợp thụ tinh ống nghiệm.
Chẩn đoán dây rốn bám màng
Dây rốn bám màng có thể được phát hiện trên hình ảnh siêu âm của nhau thai và dây rốn trong tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa thai kỳ). Khi bước vào tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ), tình trạng này khó phát hiện hơn. Lý tưởng nhất, thai phụ nên thăm khám thai kỳ thường xuyên bởi nguy cơ đứt dây nhau có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi thai phụ xuất hiện những cơn co tử cung đầu tiên.
Phòng ngừa dây rốn bám màng
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp ngăn ngừa bởi chưa thể xác định nguyên nhân chính xác của tình trạng này.
Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc phải, thai phụ cần:
- Tuân thủ lịch khám thai định kỳ để được siêu âm thai, phát hiện sớm tình trạng nếu có.
- Trường hợp khi siêu âm thai phát hiện thai nhi bị dây rốn bám màng, thai phụ cần tuân thủ chặt chẽ và nghiêm ngặt lịch theo dõi và quản lý thai kỳ của bác sĩ. Lịch thăm khám và theo dõi thai có thể dày đặc hơn nhằm giúp bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng thai nhi, đảm bảo bánh nhau không có vấn đề bất thường.
- Chăm sóc sức khỏe tốt: Duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và tránh các yếu tố nguy cơ.
Điều trị dây rốn bám màng như thế nào?
Cách tốt nhất khi phát hiện tình trạng dây rốn bám màng là siêu âm thường xuyên và theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe, chuyển động cũng như nhịp tim của thai nhi. Khi thai phụ có dấu hiệu khởi phát chuyển dạ bằng những cơn co tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai khẩn cấp. Lý do bởi thời điểm này dây nhau có thể bị đứt, nguy cơ gây chảy máu trong buồng ối, nếu xử lý chậm trễ có thể nguy hiểm đến tính mạng thai nhi.
Kết Luận
Dây rốn bám màng là một tình trạng hiếm gặp nhưng có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Việc phát hiện sớm và theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Hãy luôn tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ và duy trì một lối sống lành mạnh để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.