Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bướu bã đậu là gì? Những điều cần biết về bướu bã đậu
Bướu bã đậu có thể gặp ở mọi vùng da của cơ thể nhưng phổ biến hơn ở vùng da tiết nhiều mồ hôi, điều kiện vệ sinh và khô thoáng da kém. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về bướu bã đậu qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bướu bã đậu (hay u tuyến bã) là một nốt phồng phát triển chậm ở dưới da, có màng bao bọc. Bên trong bao là chất nhờn đặc mềm màu vàng hoặc vàng đục, có cặn như chất bã và bao có thể có lỗ thông ra ngoài da. Bướu bã đậu thường lành tính, không đau, thỉnh thoảng có thể bị nhiễm trùng, lúc đó người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, tấy đỏ, đau nhức.
Bướu bã đậu có thể mọc ở mọi nơi trên cơ thể: đầu, cổ, tai, lưng, tay, chân. U bắt nguồn từ lớp ngoài cùng của da (lớp biểu bì), tên thật của chúng là nang biểu bì (epidermoid cyst), nhưng nhiều người, kể cả những người trong ngành y, thường sử dụng thuật ngữ là nang bã hơn là nang thượng bì.
Triệu chứng
- Bướu bã đậu thường nổi lên trên bề mặt da, sờ vào có cảm giác mềm, không đau. Dùng tay ấn nắn thấy u di chuyển được.
- Bướu bã đậu thường xuất hiện ở da dầu hoặc vùng da tiết nhiều mồ hôi, chất bã như: lưng, nách, ngực, phía trước hoặc sau vành tai, mông…
- Bướu bã đậu có triệu chứng giống như nổi mụn bọc, dễ nhầm với mụn, nhọt. Thế nhưng, nếu tự nặn bã đậu tại nhà lại dễ tái phát.
- Bướu bã đậu lành tính không gây khó chịu nhưng nếu viêm nhiễm lâu ngày sẽ gây hoại tử, đau đớn và khó chịu. Đầu u màu xanh, khi bể sẽ có chất dịch màu vàng kèm mùi hôi chảy ra.
- Một số trường hợp bướu bã đậu quá to sẽ chèn vào các dây thần kinh khiến bệnh nhân khó chịu, đau nhức.
Nguyên nhân
Nhiệm vụ chính của tuyến bã là tiết ra chất bã và chất này được đổ vào nang lông qua một ống sau đó chui qua lỗ chân lông để thoát ra ngoài, nhờ đó mà da được bôi trơn. Nếu xảy ra tình trạng tắc ống tuyến bã thì chất bã không có đường bài xuất nên cứ thế tích tụ lại và tạo thành bướu bã đậu.
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ ai, không phụ thuộc vào độ tuổi hay giới tính, đều có thể mắc phải u nang bã đậu, một loại khối u phổ biến có thể phát triển ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Tuy nhiên, có một số đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:
- Người có da từng bị chấn thương.
- Người đang tuổi dậy thì.
- Người da nhờn nhưng hàng ngày không được vệ sinh sạch sẽ.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bướu bã đậu bác sĩ thường căn cứ trên triệu chứng lâm sàng qua thăm khám. Nếu vẫn chưa đủ căn cứ xác định bướu bã đậu, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện một số chỉ định cận lâm sàng như: xét nghiệm chỉ số viêm, xét nghiệm chỉ số viêm, siêu âm, chụp CT-Scanner,… để chẩn đoán chính xác.
Phòng ngừa bệnh
Để hạn chế sự xuất hiện của bướu bã đậu trên da, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Thường xuyên làm sạch da, giữ da luôn khô thoáng, đặc biệt với da dầu phải lau rửa, vệ sinh thường xuyên.
- Nên tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm giúp lỗ chân lông thông thoáng, hạn chế tình trạng tích tụ bã nhờn làm xuất hiện bướu bã đậu.
- Cẩn thận khi chọn xà phòng hoặc sữa tắm, nên chọn những loại tác dụng làm da khô, thoáng.
Điều trị bướu bã đậu như thế nào?
Là một loại u lành tính, không gây nguy hiểm nhưng mất thẩm mỹ. Phương pháp tối ưu để loại bỏ bướu bã đậu là phẫu thuật, chủ yếu thực hiện tiểu phẫu (ca phẫu thuật nhỏ, thực hiện ngay mà không cần gây mê, chỉ gây tê tại chỗ).
Người bệnh nên điều trị khối u sớm, chưa nhiễm trùng, kích thước nhỏ tầm 1-2cm. Nếu điều trị chậm trễ, bướu bã đậu dễ nhiễm khuẩn, chảy mủ và viêm loét, lúc này việc cắt bỏ u phức tạp, mất nhiều thời gian và nguy cơ để lại sẹo xấu rất cao. Tuyệt đối không tự ý dùng tay nặn, rạch để loại bỏ bướu bã đậu, vì có thể gây nhiễm trùng, viêm loét.
Tại cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ gây tê và sát trùng tại vị trí mọc bướu bã đậu, sau đó dùng lưỡi dao rạch một vết trên da để lấy toàn bộ nang bã.
Trường hợp bướu bã đậu đã viêm nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc chữa nhiễm trùng, kháng viêm và giảm đau. Nếu tình trạng viêm nhiễm đã ổn, bác sĩ sẽ xem xét làm tiểu phẫu bóc tách, loại bỏ lớp vỏ nang bao bọc bên ngoài cùng chất bã bên trong.
Bướu bã đậu có thể tự hết nhưng rất hiếm. Nên uống nhiều nước, ăn các loại trái cây chứa nhiều vitamin C, rèn luyện thể dục thể thao, đặc biệt là luôn giữ cho da thông thoáng, khi đó tuyến bã nhờn ở lỗ chân lông không còn bí tắc, cơ thể được giải độc, giải nhiệt, khối u sẽ nhỏ dần và teo lại.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về Bướu bã đậu. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.