Bệnh viện Việt Đức và những điều cần biết
Bệnh viện Việt Đức là một trong những bệnh viện lớn tại thủ đô Hà Nội, số lượng bệnh nhân đến thăm khám và chữa bệnh ngày một tăng cao. Do đó, để đỡ mất thời gian, trước khi đi thăm khám tại đây, bạn nên tìm hiểu một số thông tin liên quan để quá trình khám diễn ra hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Bệnh viện Việt Đức là một trong những bệnh viện lớn tại thủ đô Hà Nội
Tổng quan về Bệnh viện Việt Đức
Lịch sử hình thành và phát triển
Vào ngày 8/1/1902, Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer ký sắc lệnh thành lập trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1904 bệnh viện thực hành của trường được cho xây dựng với tên gọi là Nhà thương bản xứ.
Qua thời gian, bệnh viện mang một tên gọi khác nhau theo từng giai đoạn phát triển:
- 1904 – 1906: Nhà thương bản xứ
- 1906 – 1943: Nhà thương bảo hộ.
- 1943 – 1954: Bệnh viện Yersin.
- 1954 – 1958: Bệnh viện Phủ Doãn
- 1958 – 1991: Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CHDC Đức
- 1991 đến nay: Bệnh viện Việt Đức
Bệnh viện Việt Đức ngày nay được tọa lạc trên khuôn viên cũ của Nhà thương bản xứ hơn 100 năm về trước có diện tích mặt bằng khoảng 30.000 mét vuông giữa trung tâm thủ đô Hà Nội với 3 mặt giáp đường Tràng Thi, Quán Sứ, Phủ Doãn.
Thành tựu đạt được
Từ năm 2015, Bệnh viện Việt Đức là một trung tâm y tế chuyên sâu, được xếp hạng bệnh viện chuyên khoa đặc biệt. Bệnh viện cũng sở hữu một đội ngũ gồm các chuyên gia, y bác sĩ là Giáo sư, Phó Giáo sư và gần 200 Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa sau đại học.
Hiện nay, Bệnh viện Việt Đức có các chuyên khoa như: Y học phục hồi chức năng, Răng – Hàm – Mặt, Tim mạch, Thần kinh, Nhi khoa, Khoa tiết niệu, Gan mật, Khoa thận và Ung thư – Ung bướu. Bên cạnh đó là sự phối hợp hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa và đội ngũ nhân viên y tế có nhiều kinh nghiệm, giỏi chuyên môn và luôn nhiệt huyết trong việc khám cũng như điều trị các bệnh lý, tư vấn y khoa cho bệnh nhân.
Ngoài ra, Bệnh viện Việt Đức còn được đầu tư trang thiết bị đạt chuẩn quốc tế hỗ trợ cho việc khám và điều trị bệnh được hiệu quả hơn. Nhờ đó, người dân trên địa bàn Hà Nội và các khu vực lân cận luôn tin tưởng và chọn bệnh viện là nơi tư vấn và điều trị bệnh.
Thời gian khám bệnh tại Bệnh viện Việt Đức
Lịch thăm khám tại Bệnh viện Việt Đức như sau:
- Thứ Hai – Thứ Sáu: 7:00 – 16:00 (mùa đông), 7:00 – 16:30 (mùa hè)
- Khu khám bệnh theo yêu cầu tại nhà C4: 7:00 – 16:00
- Khu khám bệnh theo yêu cầu 1C: Khám từ thứ Hai – Thứ Bảy (Chủ nhật nghỉ)
Thông thường, Bệnh viện tiếp nhận đông bệnh nhân đến khám vào đầu giờ sáng, do đó người bệnh có thể đến đăng ký khám sau 9h00 sáng để giảm thiểu được thời gian chờ đợi.
Tổng quan về Bệnh viện Việt Đức
Quy trình khám bệnh tại Bệnh viện Việt Đức
Đối với bệnh nhân có BHYT
Đối tượng áp dụng:
- Bệnh nhân nằm viện được hưởng BHYT đúng tuyến, tái khám lần đầu theo đúng lịch hẹn.
- Bệnh nhân có thẻ BHYT và có giấy chuyển viện đúng tuyến.
- Bệnh nhân mắc các bệnh phải điều trị dài ngày (theo quy định BHYT).
Quy trình khám bệnh:
Bước 1: Đăng ký khám và tiến hành nộp phí khám
- Người bệnh đến cửa Bảo hiểm ngoại trú để làm thủ tục.
- Đối với bệnh nhân có chỉ định chụp PET/CT, thận lọc máu đến cửa 21 làm thủ tục.
Bước 2: Khám lâm sàng
- Bệnh nhân di chuyển đến phòng khám chuyên khoa tại tầng 1 – 2 nhà C2 để khám và nhận các chỉ định.
- Đóng dấu BHYT tại cửa Bảo hiểm ngoại trú nếu có một trong các chỉ định như: CT 64 dãy, Chụp CT thường, Đo loãng xương, Cộng hưởng từ, Nội soi.
Bước 3: Khám cận lâm sàng
- Người bệnh đến các phòng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Ngồi đợi nhận kết quả chụp chiếu.
Bước 4: Nhận kết quả cận lâm sàng và mua thuốc
- Mang kết quả xét nghiệm, chụp chiếu đến phòng khám ban đầu gặp bác sĩ để có thể được tư vấn.
- Rút thẻ BHYT sau đó thanh toán tại cửa BHYT ngoại trú.
- Nếu có đơn thuốc BHYT, người bệnh đóng dấu BHYT và lấy thuốc tại tầng 1 nhà A3.
Đối với bệnh nhân không có BHYT
Đối tượng áp dụng:
- Người bệnh không có thẻ BHYT
- Người bệnh có thẻ BHYT tuy nhiên không có giấy chuyển tuyến
Quy trình khám:
Bước 1: Đăng ký khám và nộp phí khám
- Đăng ký khám bệnh, nộp lệ phí tại cửa tiếp đón số 24, 25. Riêng cửa tiếp đón số 23 dành cho các đối tượng được ưu tiên: người già trên 75 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi,…
- Đối với đăng ký khám tại phòng khám Nam học và Tai Mũi Họng, bệnh nhân nộp lệ phí khám bệnh tại cửa 1-7.
Bước 2: Khám lâm sàng
- Bệnh nhân đến các phòng khám chuyên khoa tại tầng 1-2 nhà C2 đế thăm khám và nhận các chỉ định các phòng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng theo đúng những chỉ định của bác sĩ.
- Ngồi đợi nhận kết quả chụp chiếu.
- Nộp viện phí thực hiện xét nghiệm tại cửa 1-7. Nếu có chỉ định làm các xét nghiệm tại khu điều trị 1C, bệnh nhân di chuyển qua khu 1C để nộp viện phí. Nếu có chỉ định nội soi, người bệnh di chuyển lên tầng 3 nhà D trước khi nộp viện phí.
Bước 3: Khám cận lâm sàng
- Di chuyển đến các phòng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng theo chỉ định của bác sĩ.
Bước 4: Nhận kết quả cận lâm sàng và mua thuốc
- Người bệnh mang kết quả xét nghiệm, chụp chiếu đến phòng khám ban đầu gặp bác sĩ để được tư vấn.
- Mua thuốc tại bệnh viện.
Chi phí khám bệnh ở Bệnh viện Việt Đức
Khám lâm sàng chung, khám chuyên khoa:
- Phòng khám có hỗ trợ điều hòa: 20.000 đồng
- Phòng khám không hỗ trợ điều hòa: 18.000 đồng
- Khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa (không kể đến xét nghiệm, X-quang): 100.000 đồng
Quy trình khám bệnh tại Bệnh viện Việt Đức
Một số lưu ý khi đến thăm khám tại Bệnh viện Việt Đức
Địa chỉ bệnh viện: Số 16-18 Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Khi khám, người bệnh nên vào từ cổng ở địa chỉ trên bởi đây là cổng dành cho người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Việt Đức, đồng thời gần khu khám bệnh nên sẽ giúp người bệnh giảm thiểu thời gian di chuyển.
- Trên website Bệnh viện và nhiều kênh thông tin trên diễn đàn thường để địa chỉ Bệnh viện Việt Đức là 40 Tràng Thi. Tuy đây là cổng chính nhưng bệnh nhân đến khám không nên qua cổng này (thường dành cho công việc hành chính).
- Bởi vì Bệnh viện Việt Đức nằm ở quận Hoàn Kiếm, đây là khu vực nhiều đường một chiều cùng với nguy cơ trộm cắp hay xảy ra, do đó cần lưu ý nghiên cứu kĩ đường đi và bảo đảm an toàn tài sản trước, trong và sau khi đến khám tại Bệnh viện.
Kết luận: Với những thông tin chia sẻ trên, hy vọng việc lập kế hoạch đi khám của bạn tại Bệnh viện Việt Đức sẽ trở nên dễ dàng hơn và có thể tránh được những vấn đề không cần thiết.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.