Bệnh trĩ ở trẻ em: Tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng tránh hiệu quả
Bệnh trĩ xảy ra do tình trạng gia tăng áp lực lên thành tĩnh mạch hậu môn dẫn tới sự căng phồng quá mức các tĩnh mạch khiến tĩnh mạch phình to thành các búi trĩ. Các triệu chứng kèm theo gồm đau rát hậu môn và chảy máu hậu môn. Bệnh trĩ ở trẻ em xảy ra khi trẻ thường xuyên lặp lại các thói quen xấu làm tăng áp lực hậu môn gây bệnh trĩ ở trẻ nhỏ.
Nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh trĩ
Trẻ bị táo bón kéo dài
Thông thường bé sẽ không thích ăn rau củ quả và cha mẹ cũng không quan tâm đầy đủ đến việc đó, các bữa ăn của bé thiếu chất xơ, bé dễ bị táo bón hơn và dẫn đến bệnh trĩ.
Bé ngồi bô quá lâu
Khi bạn để con mình ngồi bô quá lâu trong khi đi đại tiện sẽ vô tình làm cho áp lực lên vùng hậu môn tăng lên, gây chèn ép các tĩnh mạch hậu môn và từ đó hình thành nên các búi trĩ. Do đó, bạn nên lưu ý thời gian khi bé đi đại tiện nhé!
Giải phẫu sinh lý của trẻ (Thể trạng của trẻ)
Vì trẻ em đang trong quá trình phát triển hoàn thiện các bộ phận của cơ thể, các cơ hậu môn ở trẻ còn khá yếu và các tổ chức hoạt động còn lỏng lẻo, các dây chằng ở hậu môn và trực tràng chưa có sự liên kết bền vững. Ngoài ra, xương cùng và trực tràng của trẻ lại nằm trên cùng một đường thẳng khiến cho trực tràng dễ bị đẩy lên phía trên khiến cho trẻ dễ mắc bệnh trĩ hơn.
Triệu chứng bệnh trĩ ở trẻ em
- Đại tiện khó khăn: Đây là dấu hiệu điển hình mà bất cứ trẻ khi bị bệnh trĩ đều gặp phải. Bạn nên để ý khi thấy bé đi đại tiện ngồi quá lâu, hay bé có các biểu hiện khó chịu, hay nhăn nhó, gào khóc mỗi khi đi vệ sinh. Đó chính là các dấu hiệu cho thấy bé đang bị các vấn đề đường tiêu hóa và đặc biệt là mắc bệnh táo bón hoặc trĩ.
- Đại tiện xuất hiện ra máu: Khi mắc phải bệnh trĩ, trẻ phải cố rặn để đẩy phân ra ngoài, điều này vô tình gây áp lực lên hậu môn, phân đi ra ngoài kèm theo máu hoặc có những bé tuy không đi ngoài vẫn có máu ở vùng hậu môn. Dấu hiệu này thấy rõ hơn khi bạn dùng khăn giấy vệ sinh cho bé, máu sẽ thấm trên giấy vệ sinh.
- Sa búi trĩ ở hậu môn: Đây là triệu chứng dễ thấy nhất ở tất cả những bệnh nhân mắc trĩ dù đó là trẻ em hay người lớn. Trong thời gian đầu, búi trĩ còn nhỏ và khi sa ra ngoài nó có thể tự thụt ngược vào bên trong. Càng về sau khi búi trĩ phình to và không thể tự thụt vào lại bên trong. Điều này khiến cho bé đau đớn, khó chịu và cần hỗ trợ chữa trị kịp thời.
Cách phòng ngừa bệnh trĩ ở trẻ em
- Bổ sung chất xơ: Đảm bảo chế độ ăn của trẻ đủ chất xơ qua việc tăng cường rau củ quả.
- Khuyến khích uống nhiều nước: Uống đủ nước mỗi ngày giúp phòng tránh táo bón, giảm nguy cơ bệnh trĩ.
- Vệ sinh hậu môn sạch sẽ: Dạy trẻ vệ sinh hậu môn sạch sẽ sau khi đi vệ sinh để phòng tránh nhiễm trùng và các vấn đề khác
- Tập thói quen cho trẻ đi vệ sinh đúng giờ: Đi vệ sinh vào một khung giờ cố định trong ngày sẽ giúp nhu động ruột của trẻ được hoạt động tốt hơn, từ đó việc đại tiện sẽ dễ dàng hơn và bệnh trĩ được phòng ngừa hiệu quả hơn.
Bệnh trĩ ở trẻ em không chỉ gây ra đau đớn, khó chịu mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh có nguy cơ dẫn đến mất máu, nhiễm trùng nặng nếu không tiến hành điều trị từ sớm. Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh trĩ, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để có phác đồ điều trị phù hợp.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.