Bệnh thận do HIV: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Tổng quan chung
Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) là một loại virus tiến hóa nhanh chóng, có liên quan đến bệnh thận kể từ những ngày đầu của đại dịch HIV. Những người nhiễm HIV có nguy cơ cao mắc nhiều rối loạn về thận, bao gồm:
- Tổn thương thận cấp (AKI)
- Bệnh thận do HIV (HIVAN)
- Bệnh thận mạn tính (CKD)
- Bệnh vi mạch huyết khối
- Nhiễm độc thận liên quan điều trị.
Bệnh thận do HIV (HIVAN) là bệnh thận liên quan đến nhiễm HIV, lần đầu tiên mô tả vào những năm 1984 như một biến chứng của AIDS, mặc dù HIVAN cũng có thể xảy ra ở những người nhiễm HIV giai đoạn sớm hơn. Về mặt kinh điển, HVIAN có liên quan đến tình trạng xơ hóa cầu thận khu trú từng vùng (FSGS).
Ngày nay, bệnh thận do HIV đã trở nên ít phổ biến hơn khi sử dụng rộng rãi liệu pháp kháng virus (ARV), tuy nhiên tỷ lệ các bệnh thận khác cũng tăng lên. Ví dụ như các rối loạn liên quan đến độc tính trên thận của liệu pháp điều trị HIV, sự gia tăng của các bệnh đi kèm không nhiễm trùng như đái tháo đường, tăng huyết áp là nguyên nhân gây ra bệnh thận ở người bệnh HIV.
Bệnh thận vẫn là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở người bệnh nhiễm HIV, với tỷ lệ tử vong gấp 6 lần đối với tổn thương thận cấp (AKI) và bệnh thận mạn (CKD).
Triệu chứng
Ở những người bệnh mắc bệnh thận do HIV cổ điển, các đặc điểm thường xuất hiện bao gồm:
- Bệnh HIV tiến triển: Người bệnh mắc bệnh thận do HIV (HIVAN) thường có số lượng CD4 dưới 200 tế bào/microL. Một nghiên cứu cho thấy rằng người bệnh HIVAN có số lượng tế bào CD4 dưới 200 tế bào, HIVAN cũng được báo cáo ở người bệnh nhiễm HIV cấp tính.
- Protein niệu ở ngưỡng thận hư (tiểu đạm ngưỡng thận hư): Nghiên cứu trên 71 trẻ mắc HIVAN, tại thời điểm chẩn đoán có 72% trẻ tiểu đạm ở ngưỡng thận hư, các nghiên cứu ở người lớn cũng có kết quả tương tự.
- Suy giảm chức năng thận nhanh chóng: Tại thời điểm chẩn đoán HIVAN, người bệnh thường có suy giảm chức năng thận nghiêm trọng, nguyên nhân là do quá trình bệnh tiến triển nhanh chóng.
Các biểu hiện khác như tiểu máu, tăng huyết áp và phù cũng có thể xuất hiện với tần suất thấp hơn. Ở các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ gặp phải các triệu chứng là:
- Tiểu máu từ 45% đến 75%;
- Tăng huyết áp từ 12% đến 26%;
- Phù từ 22% đến 59%.
Nguyên nhân
Có nhiều loại bệnh lý thận khác nhau ở người bệnh HIV, chẳng hạn như các tổn thương trực tiếp do biểu hiện gen HIV tại thận. Hay các tổn thương thứ phát do bệnh đi kèm, nhiễm độc thận do thuốc, rối loạn điều hòa miễn dịch và các bệnh lý khác.
Bệnh thận do HIV (HIVAN) chủ yếu là bệnh lý tại cầu thận, được phân thành hai loại chính gồm bệnh lý tế bào chân giả (podocyte) và bệnh qua trung gian phức hợp miễn dịch. Cơ chế bệnh sinh của HIVAN được đưa ra giả thuyết liên quan đến một số yếu tố như:
- Nhiễm HIV ở tế bào biểu mô thận
- Biểu hiện gen HIV trong tế bào thận bị nhiễm bệnh
- Các yếu tố vật chủ, bao gồm cả tính nhạy cảm di truyền.
Đối tượng nguy cơ
Mặc dù bất cứ người nhiễm HIV nào cũng có thể mắc bệnh thận do HIV (HIVAN). Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, HIVAN có tỷ lệ cao hơn ở người gốc Phi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận do HIV
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh thận do HIV có thể liên quan đến:
- Chủng tộc: Như đã đề cập ở trên, ở người gốc Phi do sự hiện diện của biến thể APOL1 liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh thận do HIV cao hơn.
- Điều trị kháng virus: HIVAN được cho là nguyên nhân quan trọng gây bệnh thận ở người nhiễm HIV không tuân thủ điều trị kháng virus hoặc không dung nạp điều trị.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh thận do HIV (HIVAN), bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết khi nghi ngờ và chẩn đoán xác định với sinh thiết thận.
Nghi ngờ chẩn đoán HIVAN ở bất kỳ người bệnh nhiễm HIV nào có biểu hiện protein niệu (đạm niệu) ở ngưỡng thận hư và suy giảm chức năng thận nhanh chóng, thông qua xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu kiểm tra chức năng thận. Đồng thời, xét nghiệm máu kiểm tra số lượng tế bào CD4 cũng sẽ được thực hiện. Nghi ngờ mắc bệnh thận do HIV cao nếu số lượng tế bào CD4 <200 tế bào/microL và tiền sử không tuân trị thuốc kháng virus.
Sinh thiết thận là cách duy nhất để chẩn đoán xác định bệnh thận do HIV. Không có xét nghiệm cụ thể nào có thể được sử dụng để phân biệt HIVAN với các bệnh lý cầu thận khác bao gồm các bệnh thận liên quan đến HIV khác.
Phòng ngừa bệnh
HIV là bệnh có thể phòng ngừa được, bạn có thể tham khảo các cách phòng ngừa nhiễm HIV như:
- Đeo bao cao su khi quan hệ tình dục;
- Cắt bao quy đầu ở nam giới;
- Xét nghiệm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Tuy nhiên, nếu bạn đã mắc HIV, việc phòng ngừa bệnh thận do HIV là không chắc chắn. Tuân thủ điều trị kháng virus và tái khám định kỳ là rất quan trọng vì chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể giúp hạn chế diễn tiến bệnh.
Điều trị bệnh thận do HIV như thế nào
Vì bệnh thận do HIV có nguy cơ cao tiến triển thành bệnh thận mạn giai đoạn cuối và tăng tỷ lệ tử vong nên không thể trì hoãn việc điều trị.
Liệu pháp kháng virus kết hợp là phương pháp điều trị chính cho HIVAN, vì đã được chứng minh làm giảm tiến triển thành bệnh thận mạn giai đoạn cuối.
Tất cả người bệnh nhiễm HIV nên được điều trị ARV bất kể số lượng tế bào CD4. Đối với người bệnh nhiễm HIV chưa điều trị, nên bắt đầu điều trị kháng virus càng sớm càng tốt.
Đối với người bệnh đang sử dụng ARV, cần đánh giá việc tuân thủ điều trị và đánh giá về đột biến kháng thuốc để xem có nên thay đổi phác đồ điều trị hay không.
Các điều trị bổ sung khác cho tình trạng đạm niệu và tăng huyết áp bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi) hoặc chẹn thụ thể (ARB):Người bệnh HIVAN có đạm niệu và/hoặc tăng huyết áp nên điều trị bằng thuốc ACEi hoặc ARB. Cách tiếp cận này tương tự đối với người bệnh mắc bệnh thận mạn có đạm niệu.
- Thuốc ức chế SGLT2: Giống như người bệnh mắc bệnh thận mạn có đạm niệu, các bệnh nhân mắc bệnh thận do HIV có đạm niệu dai dẳng dù đã điều trị bằng ACEi hoặc ARB có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung SGLT2i.
Ở những người bệnh đã tiến triển bệnh thận mạn giai đoạn cuối, liệu pháp điều trị thay thế thận và ghép thận là các phương pháp điều trị chủ yếu.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.