Bệnh lao ở người cao tuổi và những điều cần biết
Bệnh lao, một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nhân mà còn gây ra những tác động đáng kể đến cộng đồng. Đặc biệt, người cao tuổi thường là nhóm dễ bị tổn thương nặng nề bởi bệnh này. Hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh lao là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nguyên nhân gây ra bệnh lao ở người cao tuổi
Nguyên nhân chính gây bệnh lao ở người già thường liên quan đến sự suy giảm của hệ miễn dịch và khả năng chống đỡ của cơ thể khi tuổi tác tăng cao. Cụ thể:
- Sức đề kháng suy yếu: Người cao tuổi thường có hệ miễn dịch suy giảm, điều này làm cho cơ thể khó khăn hơn trong việc chống lại vi khuẩn lao và kiểm soát sự phát triển của bệnh.
- Bệnh lý mạn tính khác: Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý mạn tính khác nhau, như bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc bệnh phổi mạn tính… tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển.
- Sự suy giảm của cơ thể: Cơ thể người cao tuổi thường không còn khả năng phục hồi nhanh chóng sau khi mắc bệnh hoặc sau khi điều trị, nên tình trạng bệnh trở nên phức tạp hơn và thời gian điều trị kéo dài hơn.
- Tiếp xúc với người mắc bệnh lao: Người cao tuổi có thể bị ảnh hưởng do thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh nhân khác khi phải sống trong môi trường chăm sóc sức khỏe như bệnh viện hoặc trung tâm dưỡng lão, tăng nguy cơ bị lây nhiễm từ những người mắc bệnh lao.
- Do dùng thuốc chứa corticoid thời gian dài: Người cao tuổi hay đau khớp do đó thường dùng các loại thuốc giảm đau kháng viêm. Nếu dùng lâu dài loại thuốc có chứa corticoid sẽ bị giảm sức đề kháng nên dễ mắc bệnh lao.
Người cao tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh lao nhất
Triệu chứng bệnh lao ở người cao tuổi
Triệu chứng của bệnh lao ở người cao tuổi có thể không rõ ràng và thường bị nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh khác như viêm phổi, viêm phế quản mạn tính,.. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của bệnh lao ở người cao tuổi:
- Ho kéo dài thường hơn 3 tuần
- Khó thở
- Sụt cân
- Ăn mất ngon
- Sốt
- Mệt mỏi
- Đau ngực
- Mồ hôi đêm
- Giảm sức khỏe tổng quát: Cảm giác không khỏe mạnh, suy nhược tổng thể và giảm khả năng thể chất cũng có thể là một triệu chứng của bệnh lao ở người cao tuổi.
Chẩn đoán và điều trị bệnh lao ở người cao tuổi
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh lao phổi ở người già thường dựa trên kết quả chẩn đoán lâm sàng, hình ảnh và xét nghiệm. Dưới đây là các bước phổ biến trong quá trình chẩn đoán:
- Tiền sử và triệu chứng: Bác sĩ sẽ tiến hành một cuộc phỏng vấn chi tiết về tiền sử y tế và triệu chứng của bệnh nhân, bao gồm: ho lâu dài, khó thở, sụt cân, sốt, mệt mỏi, đổ mồ hôi đêm hay bất kỳ triệu chứng có thể xảy ra ở người bệnh lao.
- Nghe phổi: Bác sĩ có thể thực hiện phương pháp lắng nghe phổi bằng stethoscope để tìm kiếm các âm thanh bất thường.
- Chụp X-quang phổi: phương pháp chẩn đoán chính để xác định sự tổn thương phổi do lao. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng các phương pháp hình ảnh khác như CT scan phổi để đánh giá sâu hơn về phạm vi tổn thương.
- Xét nghiệm vi khuẩn: Phương pháp chẩn đoán xác định bệnh lao chủ yếu dựa trên việc phát hiện vi khuẩn lao từ các mẫu đàm hoặc dịch phế nước. Xét nghiệm nhanh như xét nghiệm vi khuẩn qua mẫu đàm hoặc dịch phế nước có thể được sử dụng để xác định nhanh chóng sự hiện diện của vi khuẩn lao.
- Kiểm tra da: Một phản ứng da dương tính với antigens của vi khuẩn lao (kiểm tra da tuberculin) cũng có thể được thực hiện để phát hiện tiềm ẩn hoặc nhiễm bệnh lao.
- Xét nghiệm máu: Một số xét nghiệm máu như xét nghiệm Gamma Interferon Release Assay (IGRA) đo lường phản ứng khi protein lao được trộn với một lượng nhỏ máu của bệnh nhân
Điều trị
Điều trị bệnh lao ở người già có phần khó khăn hơn so với những lứa tuổi khác. Do tiến trình lão hóa tự nhiên, nhiều cơ quan trong cơ thể người già hoạt động kém và chịu đựng kém hơn trước. Điều trị lao ở người cao tuổi thường cần điều chỉnh dựa trên tình trạng sức khỏe và khả năng chịu đựng của người bệnh. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến:
- Thuốc kháng lao: Phác đồ điều trị bao gồm sử dụng các loại thuốc kháng lao như isoniazid, rifampicin, ethambutol và pyrazinamid trong thời gian kéo dài. Đối với người cao tuổi, đặc biệt quan trọng là tuân thủ liều lượng và độ dài điều trị do bác sĩ chỉ định để đảm bảo hiệu quả điều trị và ngăn ngừa sự phát triển của chủng kháng thuốc.
- Phối hợp thuốc điều trị: Khi cần thiết, các loại thuốc kháng lao có thể được kết hợp để tăng cường hiệu quả và giảm nguy cơ tái phát.
- Theo dõi và đánh giá: Bệnh nhân thường cần thường xuyên được theo dõi để đảm bảo việc điều trị diễn ra hiệu quả và không gặp phải tác dụng phụ không mong muốn từ thuốc.
- Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường sức đề kháng cho người bệnh.
- Chăm sóc sức khỏe: Người cao tuổi thường có nguy cơ cao hơn về biến chứng và khả năng chống đỡ yếu hơn, do đó cần được chăm sóc và theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe.
Người cao tuổi mắc bệnh lao cần được chăm sóc và theo dõi của chuyên gia y tế
Trong việc điều trị bệnh lao ở người cao tuổi, việc tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị và cung cấp chăm sóc hỗ trợ toàn diện là quan trọng để đảm bảo hiệu quả và giảm nguy cơ biến chứng.