Bệnh đau mắt đỏ: Nguyên nhân và triệu chứng cần chú ý
Bệnh viêm kết mạc hay theo dân gian còn gọi là đau mắt đỏ là bệnh khá phổ biến. Bệnh có khả năng lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch nếu không được cách ly kịp thời. Ngoài gây cảm giác khó chịu cho người bệnh, có thể dẫn đến biến chứng viêm, loét giác mạc. Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa, với số người mắc bệnh tăng. Bài viết này sẽ giúp độc giả hiểu về nguyên nhân đau mắt đỏ, biểu hiện đau mắt đỏ từ đó có cách phòng tránh bệnh bảo vệ bản thân và gia đình.
Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ (Pinkeye – Conjunctivitis) là tình trạng lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu và kết mạc mi bị viêm nhiễm , thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra, hoặc do phản ứng dị ứng với các tác nhân môi trường, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.
Thông thường, bệnh đau mắt đỏ không nghiêm trọng, không để lại di chứng về sau và có thể tự khỏi trong vòng vòng 1 đến 2 tuần, tuy nhiên trong một vài trường hợp nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ để lại những di chứng nặng nề thậm chí là mất hoặc giảm thị lực.
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng có thể giúp phần nào phân biệt được các tác nhân gây ra tình trạng khó chịu này ở mắt. Trong đó có 3 nguyên nhân chính thường gặp phải là: Đau mắt đỏ do virus, vi khuẩn và do dị ứng mắt. Mỗi nguyên nhân gây bệnh lại có những biểu hiện lâm sàng và mức độ nguy hiểm khác nhau. Cụ thể:
- Do Virus: Đau mắt đỏ do virus thường là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các triệu chứng đỏ mắt, có ghèn dây, chảy nước mắt, cộm, ngứa khó chịu. Bệnh do virus gây ra nên rất dễ lây lan khi người bình thường vô tình tiếp xúc với nước mắt của người bệnh hoặc khi nói chuyện họ vô tình ho, hắt hơi cũng có nguy cơ lây nhiễm cao.
- Do vi khuẩn: Các loại vi khuẩn thường gây ra tình trạng đau mắt đỏ như: Influenzae, Haemophilus, Staphylococcus… Dấu hiệu đặc trưng giúp nhận biết đau mắt đỏ do vi khuẩn thường dựa vào màu sắc của ghèn mắt sẽ là màu vàng xanh nhạt hoặc màu vàng xuất hiện nhiều vào buổi sáng sau khi thức giấc gây dính chặt 2 mi mắt với nhau. Một số biểu hiện đi kèm khác như: Ngứa mắt, chảy nước mắt nhiều… Khi bệnh chuyển nặng có thể gây ra tình trạng viêm loét giác mạc, thị lực suy giảm không thể hồi phục. Bệnh chủ yếu lây qua dịch tiết nước mắt của người bệnh hoặc bất cứ vật dụng nào có dính dịch tiết mắt của họ.
- Do dị ứng mắt: Những người có cơ địa dễ bị dị ứng, nhạy cảm với những dị nguyên tưởng chừng vô hại như: Phấn hoa, lông chó, mèo, bụi bẩn, mỹ phẩm, thức ăn… gây ra tình trạng ngứa ngáy, sưng, đỏ, rỉ ở mắt… Bệnh thường xảy ra theo mùa, kéo dài và rất dễ tái phát cho đến khi người bệnh tránh xa các tác nhân gây dị ứng. Dị ứng mắt gây viêm kết mạc thường không lây và sẽ bị ở cả 2 mắt.
Triệu chứng của đau mắt đỏ là gì?
Người bị đau mắt đỏ thường có những biểu hiện như sau:
- Đỏ một hoặc cả hai mắt;
- Ngứa một hoặc cả hai mắt; cảm giác có sạn ở trong mắt;
- Rỉ dịch ở một hoặc hai mắt; chảy nước mắt;
- Mí mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày đến mắt thứ hai
- Kèm theo có thể ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em).
Đau mắt đỏ làm cho bạn có cảm giác như có một vật gì ở trong mắt mà không thể lấy ra được. Khi thức dậy mắt bị dính chặt lại do màng dử mắt.
Viêm kết mạc thường bị cả hai mắt mặc dù bệnh có thể xảy ra ở một mắt sau đó lây sang mắt kia sau một hoặc hai ngày. Bệnh có thể không cân xứng, một mắt nặng hơn mắt kia.
Cách phòng bệnh đau mắt đỏ
Trong nhà chỉ cần một người đau mắt đỏ thì hầu như các thành viên còn lại cũng bị theo. Biểu hiện lúc mắc bệnh là mắt bị đổ ghèn, đau nhức, sưng đỏ.
Cần phải thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, tránh dùng chung đồ với người mắc bệnh. Đặc biệt, sau khi nhỏ mắt cho trẻ phụ huynh cần rửa tay ngay. Việc hôn hít trẻ đau mắt đỏ cũng có thể bị lây bởi dịch tiết từ mắt bệnh nhi chảy xuống miệng và mũi.
Khi thấy biểu hiện đau mắt đỏ, người dân nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời, tránh để mắt bị bội nhiễm.Trung bình sau khi điều trị 3 ngày mắt sẽ hết đỏ và đau, nhưng để khỏi hẳn bệnh nhân phải dùng thuốc từ 7 – 10 ngày.
Đau mắt đỏ thường không nghiêm trọng tuy nhiên được điều trị sớm để tránh gây nhiều trở ngại đến cuộc sống sinh hoạt và công việc của người bệnh. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi, thắc mắc hoặc xuất hiện triệu chứng nghi mắc bệnh đau mắt đỏ, hãy liên hệ nhân viên y tế để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.