Bệnh cúm ở phụ nữ mang thai: Hiểu rõ và phòng tránh
Trong bối cảnh dịch bệnh cúm thường xuyên diễn biến phức tạp, việc hiểu biết về bệnh và phòng ngừa bệnh cúm cho phụ nữ mang thai, để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và thai nhi là cực kỳ quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về triệu chứng bệnh, nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa bệnh cúm cho phụ nữ có thai.
Triệu chứng bệnh cúm ở phụ nữ mang thai
Cảm cúm là nhóm bệnh lý do nhiễm virus. Các virus gây cảm cúm có thể lây lan qua không khí khi một ai đó bị bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
Triệu chứng bệnh cúm ở phụ nữ có thai bao gồm:
- Ho khan
- Sốt vừa hoặc sốt cao, đôi khi không sốt
- Viêm họng
- Ớn lạnh
- Đau cơ, nhức mỏi toàn cơ thể
- Đau đầu
- Nghẹt mũi và chảy nước mũi
- Mệt mỏi nghiêm trọng kéo dài đến hai tuần.
Bệnh cúm ở phụ nữ mang thai có thể gây ra biến chứng bệnh nặng hơn như bệnh viêm phổi và có nguy cơ sinh non.
Đau đầu, nhức mỏi là triệu chứng bệnh cúm thường gặp ở phụ nữ có thai
Yếu tố nguy cơ gây ra bệnh cúm ở phụ nữ mang thai
- Tiếp xúc với người bệnh cúm: Các virus gây cảm cúm có thể lây lan qua không khí khi một ai đó đang bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Nhưng nó cũng lây lan bằng tay khi sử dụng chung đồ dùng với người bị nhiễm bệnh, sau đó mẹ chạm vào mũi, miệng hoặc mắt của mình.
- Hệ miễn dịch suy giảm: Trong thai kỳ, hệ miễn dịch của phụ nữ thường suy giảm nên rất dễ nhiễm virus và mắc bệnh cúm.
- Thay đổi nội tiết tố: Trong thai kỳ, cơ thể phụ nữ trải qua các thay đổi nội tiết tố, làm cho hệ miễn dịch trở nên yếu hơn và sức đề kháng giảm, từ đó dễ bị tấn công bởi virus gây cúm.
- Điều kiện môi trường: Các yếu tố môi trường như thời tiết lạnh, khí hậu ẩm ướt có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm lây lan và gây bệnh.
- Stress: Stress cũng là một nguyên nhân gây bệnh cúm ở phụ nữ có thai do có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc cúm.
Biện pháp phòng ngừa bệnh cúm ở phụ nữ mang thai
Trong quá trình thai kỳ, việc bảo vệ sức khỏe của phụ nữ mang thai khá quan trọng, đặc biệt là khi đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cúm. Một số biện pháp phòng ngừa cúm ở phụ nữ có thai có thể áp dụng để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
- Tiêm vắc xin phòng cúm: Cách phòng cúm khi mang thai đơn giản và hiệu quả nhất đối với các mẹ bầu chính là tiêm vắc xin phòng ngừa cúm. Vắc xin phòng cúm dành cho mẹ bầu sẽ giúp bảo vệ được sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ trước những biến chứng nguy hiểm của bệnh lý. Thông thường, một mũi tiêm vắc xin phòng cúm khi mang thai có tác dụng hiệu quả từ 6 – 12 tháng kể từ thời điểm tiêm phòng.
Tiêm vacxin cúm để phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả
- Tránh đám đông: Vào mùa cúm phát triển, mẹ nên tránh những nơi có số lượng người lớn như siêu thị, chợ, rạp chiếu phim,… vì đây là môi trường có điều kiện lây lan bệnh cao nhất. Nếu cần thiết phải tới những nơi đông người, mẹ nên đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên.
- Không tiếp xúc với người đang có dấu hiệu bệnh cúm.
- Không chạm tay lên mắt , mũi, miệng khi chưa được rửa sạch.
- Vận động nhẹ: Mẹ bầu nên thường xuyên tập thể dục với mức độ nhẹ nhàng, thường xuyên giữ tinh thần thoải mái là cách hữu ích giúp nâng cao khả năng phòng chống bệnh cho cơ thể.
Thường xuyên vận động nhẹ để giúp cải thiện sức khỏe
Như vậy, việc tuân thủ các biện pháp phòng bệnh cúm là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe của phụ nữ mang thai. Bằng cách này, chúng ta không chỉ giảm nguy cơ mắc bệnh cho mẹ bầu mà còn đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.