Bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi sởi: Nhóm đối tượng nào cần cẩn trọng?
Sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng như sốt, ho, chảy nước mũi, mắt đỏ, phát ban,… Sởi có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong.
Vậy ai là những đối tượng dễ mắc bệnh sởi? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sởi, từ đó giúp bạn hiểu rõ hơn về cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Bệnh sởi là gì?
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.
Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là:
- Viêm tai giữa
- Viêm phổi
- Tiêu chảy
- Khô loét giác mạc mắt
- Viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng.
Phát ban là một trong những biểu hiện đặc trưng của bệnh sởi
Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Nguyên nhân của bệnh sởi là virus sởi. Đây là một loại virus ARN thuộc chi Morbillivirus nằm trong họ Paramyxoviridae.
Hiện nay người ta chỉ phát hiện một tuýp huyết thanh virus sởi. Trong giai đoạn tiền triệu và một thời gian ngắn sau khi phát ban, virus sởi có thể được tìm thấy trong dịch tiết mũi hầu, máu và nước tiểu. Virus có thể hoạt động sau khi để 34 giờ ở nhiệt độ phòng.
Virus sởi có hai kháng nguyên:
- Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu (Hemagglutinin).
- Kháng nguyên tan hồng cầu (Hemolysin)
Khi virus vào trong cơ thể bệnh nhân sẽ kích thích sinh kháng thể. Kháng thể xuất hiện từ ngày thứ 2 – 3 sau khi mọc ban và tồn tại lâu dài.
Virus sởi là nguyên nhân gây bệnh sởi
Dưới đây là một số dấu hiệu có thể nhận biết người bị bệnh sởi:
- Thời gian ủ bệnh khi mắc virus sởi khoảng 10 – 12 ngày, sau đó xuất hiện các triệu chứng như: Mắt đỏ, nhức mắt khi nhìn ánh sáng, sốt nhẹ, ho khan, ho không có đờm kéo dài liên tục, chảy nước mũi… Bên trong miệng, gần gò má xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên là các nốt màu trắng.
- Đến giai đoạn phát ban: Người bệnh xuất hiện ban đỏ trên da. Các nốt ban mọc từ sau tai lan ra mặt và lưng, sau 2-3 ngày sẽ lan ra toàn thân, lan dần xuống chân. Bệnh nhân sốt cao liên tục kèm theo các triệu chứng: mệt mỏi nhiều, ăn kém, đau mỏi toàn thân, ho khan nhiều, xung huyết kết mạc mắt, gỉ mắt nhiều,..
Cần đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau:
- Sốt cao liên tục ≥ 39°C- 40°C.
- Khó thở, thở nhanh.
- Mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ…
- Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.
Các đối tượng dễ mắc bệnh sởi?
- Người chưa bị bệnh sởi hay chưa được tiêm phòng vắc xin phòng sởi hoặc tiêm phòng không đầy đủ thường dễ bị virus sởi tấn công.
- Trường hợp dễ gặp biến chứng khi mắc sởi thường là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ béo phì.
- Người đang mắc các bệnh lý khác: Bệnh tim bẩm sinh, cúm, tiểu đường…
- Trẻ sinh ra bởi người mẹ bị nhiễm HIV: Trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV dễ mắc sởi ở tuổi nhỏ hơn trẻ sinh từ người mẹ không bị bệnh.
- Trẻ bị thiếu vitamin A: Sởi có kèm theo giảm nồng độ retinol/máu và có thể làm thiếu vitamin A rõ rệt. WHO cũng khuyến cáo nên bổ sung vitamin A cho trẻ bị sởi trong trường hợp này, đặc biệt là ở những quốc gia có tỷ lệ tử vong do sởi cao.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng: Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng thường dễ bị suy giảm miễn dịch hơn dưới nhiều hình thức khác nhau: thời gian thải virus kéo dài hơn, tỷ lệ tử vong do sởi cao hơn. Sởi góp phần đưa đến suy dinh dưỡng do mất protein do bệnh lý ruột, tăng nhu cầu chuyển hóa và giảm cung cấp qua thức ăn.
- Người bị lao: Suy giảm miễn dịch qua trung gian tế bào do sởi tạo thuận lợi cho nhiễm lao. Hơn nữa, bệnh lao cũng sẽ nặng hơn nếu bệnh nhân nhiễm sởi.