Ba mẹ chăm sóc trẻ bị sốt phát ban như thế nào?
Sốt phát ban là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ với khả năng lây lan nhanh chóng. Người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng nổi ban đỏ khiến bố mẹ dễ nhầm lẫn với các bệnh khác dẫn tới việc điều trị sai, không hiệu quả, dễ gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là một số thông tin giúp bố mẹ có thể hiểu hơn về sốt phát ban ở trẻ và cách chăm sóc trẻ sốt phát ban tại nhà.
Ba mẹ cần biết về sốt phát ban ở trẻ em
Triệu chứng sốt phát ban ở trẻ có thể biến đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào hệ miễn dịch và tình trạng sức khỏe của từng trẻ:
- Sốt cao: trẻ có thể bị sốt trên 38 độ C, khi sốt trẻ thường mệt mỏi và không muốn tham gia vào hoạt động thường ngày.
- Phát ban trên da: trên da trẻ có các đốm đỏ hoặc nốt. Ban thường dạng chấm đỏ tập trung thành từng mảng, mọc rải rác khắp cơ thể không theo trình tự. Khi ban bay không để lại sẹo hay dấu vết, có thể lan rộng từ mặt ra khắp toàn thân, thậm chí gây ngứa và khó chịu cho trẻ.
- Đau nhức cơ bắp: đây là triệu chứng cho thấy cơ thể đang phản ứng với sốt. Tình trạng đau nhức cơ bắp thường khiến trẻ cảm thấy khó chịu, kém linh hoạt.
- Tiêu chảy hoặc nôn mửa: một số trẻ có triệu chứng tiêu chảy hoặc nôn mửa, gây mất nước và dẫn đến tình trạng mệt mỏi.
- Các triệu chứng khác: đau đầu, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng.
Sốt cao là một trong những biểu hiện bệnh sốt phát ban ở trẻ
Nguyên nhân gây bệnh sốt phát ban ở trẻ em
Sốt phát ban ở trẻ là bệnh rất dễ lây nhiễm, nhất là trong môi trường có tính tập thể như nhà trẻ, trường học, trường mẫu giáo vì bệnh lây chính yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi làm văng những giọt nước li ti, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.
Có khoảng 70 – 80% nguyên nhân gây sốt phát ban là do nhiễm virus, trong đó virus đường hô hấp luôn chiếm đa số, bao gồm virus sởi, virus gây bệnh rubella, Adenovirus, Echovirus, nhóm Enterovirus… Đây chính là lý do vì sao trẻ nhỏ có thể bị sốt phát ban nhiều lần.
Biến chứng của bệnh có nguy hiểm không?
Sốt phát ban ở trẻ đa số lành tính. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc và theo dõi đúng cách, trẻ có thể có nguy cơ suy hô hấp, hạ đường huyết và mất nước. Các phát ban ngoài da dễ bị bội nhiễm nếu không được giữ vệ sinh và chăm sóc hợp lý.
Một số biến chứng của sốt phát ban:
- Viêm não
- Viêm tai giữa
- Viêm phổi
- Hội chứng Guillain Barre
Viêm não là biến chứng nặng nhất của sốt phát ban ở trẻ.
Sốt phát ban có thể gây biến chứng viêm phổi
Cách chăm sóc trẻ sốt phát ban tại nhà
- Lau mát cho trẻ bằng nước ấm nhằm tránh biến chứng sốt cao, co giật ở trẻ.
- Dùng các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược để giảm ho, giảm đau họng cho trẻ.
- Thông mũi cho trẻ bằng nước muối loãng và khăn giấy mềm.
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa và uống nhiều nước hơn bình thường, nhất là những loại nước ép trái cây tươi.
- Đặc biệt, những trẻ bị nhiễm sởi cần chú ý việc bổ sung vitamin A với liều lượng phù hợp theo lứa tuổi để bảo vệ đôi mắt.
- Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ bị bệnh mỗi ngày, không nên kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín, sẽ khiến trẻ khó hạ sốt và dễ co giật do sốt cao. Nếu không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu và dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Tuy nhiên, không nên để trẻ bị lạnh.
Hi vọng với những chia sẻ trên có thể giúp các bạn hiểu hơn về sốt phát ban ở trẻ.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.