Ảnh hưởng của bệnh lao đối với thai kỳ và cách phòng tránh
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm và đặc biệt nguy hiểm ở phụ nữ mang thai – đối tượng có sức đề kháng yếu dễ bị vi khuẩn lao tấn công. Hơn nữa, khi người mẹ mắc bệnh lao rất dễ dàng lây sang con ngay cả khi đang trong thời kỳ bào thai (lao bẩm sinh).
Mắc bệnh lao khi mang thai có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi
Ảnh hưởng của bệnh lao đối với thai kỳ
Bệnh lao đặc biệt nghiêm trọng đối với bà mẹ mang thai. Nó có thể khiến suy thai, sảy thai, thai chết lưu, lây bệnh cho thai nhi…
Theo một số thống kê bà mẹ mang thai được chẩn đoán mắc bệnh lao và phải điều trị lao trong thai kỳ thì:
- Tỷ lệ mắc bệnh của bà mẹ (ví dụ: nhập viện trước khi sinh, thiếu máu và sinh mổ) tăng gấp ba lần.
- Tỷ lệ sẩy thai tăng chín lần.
- Tỷ lệ sinh non và nhẹ cân tăng gấp đôi.
- Tỷ lệ tử vong chu kỳ sinh tăng gấp sáu lần.
Ngoài ra, bệnh lao phá hủy phổi và những bộ phận khác của cơ thể, có thể gây tình trạng trầm trọng.
Phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ và nuôi con dễ bị mắc lao hơn so với các lứa tuổi khác. Khi người mẹ mắc bệnh thì những đứa con cũng dễ dàng bị lây bệnh, thậm chí lây ngay từ khi còn là bào thai, đó là lao bẩm sinh, việc điều trị sẽ rất khó khăn.
Chính vì những mối nguy hiểm rình rập cho cả mẹ và thai nhi như vậy nên khi phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh lao sẽ được khuyến khích không mang thai và sinh con trong suốt quá trình điều trị bệnh. Ở phụ nữ mang thai có phác đồ điều trị không ảnh hưởng đến thai nhi, tuy nhiên bệnh nhi sinh ra sau này cũng phải được tầm soát lao.
Biện pháp phòng tránh bệnh lao trong thai kỳ
Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh lao ở phụ nữ mang thai không cao so với tổng số ca mắc lao chung nhưng đây là vấn đề quan trọng đáng lưu tâm, bởi vì điều trị bệnh lao cho phụ nữ mang thai có liệu trình riêng, phức tạp hơn vì vừa phải đảm chữa bệnh cho bà mẹ lẫn sự an toàn của thai nhi.
Để phòng chống lao, phụ nữ mang thai cần:
- Giữ chế độ sinh hoạt lành mạnh để bảo đảm có sức đề kháng tốt.
Giữ chế độ sinh hoạt lành mạnh để bảo đảm có sức đề kháng tốt
- Phát hiện sớm triệu chứng bệnh lao.
Khi nghi ngờ mắc bệnh lao trong thai kỳ, thai phụ cần thực hiện ngay theo hướng dẫn sau đây:
- Thai phụ cần đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh.
- Làm các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng tại các bệnh viện có chuyên khoa hô hấp để biết chắc chắn mình có bị bệnh lao hay không.
- Các xét nghiệm lao thường an toàn với thai kỳ nếu quy trình kỹ thuật được đảm bảo. Nếu mang thai giai đoạn đầu, thai phụ cần thông báo với bác sĩ để: Dùng thuốc hỗ trợ điều trị bệnh lao theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi dùng kết hợp nhiều loại thuốc hỗ trợ điều trị lao, thai phụ cần tuân thủ theo đơn thuốc, liều lượng và thời gian chữa trị của bác sĩ. Tránh tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi đơn thuốc khi chưa có chỉ định cụ thể.
- Phụ nữ mang thai mắc lao cần đặc biệt lưu ý cung cấp đủ dinh dưỡng. Thực phẩm phải có đủ lượng calo, giàu protein, vitamin và khoáng chất. Phải có chế độ nghỉ ngơi thích hợp.
- Sau khi sinh phải nghỉ ngơi lâu, đồng thời ăn nhiều thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Việc cách ly đối với con rất cần thiết khi người mẹ mắc lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Người mẹ cần phải mang khẩu trang mỗi khi ở gần, chăm sóc con hoặc cho con bú… cho đến khi vi khuẩn lao âm tính.
- Con của người mẹ mắc lao phải được theo dõi cẩn thận để phát hiện lao bẩm sinh và phải được tiêm vắc-xin phòng lao BCG sớm để phòng bệnh lao sơ nhiễm.
Kết quả chữa bệnh lao ở phụ nữ có thai cũng tốt như ở những bệnh nhân lao khác. Điều quan trọng là cần đến các cơ sở y tế để phát hiện sớm và điều trị kịp thời và thực hiện nghiêm ngặt phác đồ điều trị. Thai phụ chú ý không bỏ dở điều trị vì như vậy không những không tốt hơn cho thai nhi mà vi khuẩn lao kháng thuốc sẽ có nguy hại hơn cho cả mẹ và con.
Tiêm phòng trong phòng tránh bệnh lao trong thai kỳ
Vắc-xin BCG không được khuyến cáo cho phụ nữ có thai.